Những cuộc thảo luận về khả năng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục. Hiện nay một số người tin rằng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, Kiev sẽ sẵn sàng đàm phán với Moscow hơn bởi sự hỗ trợ của phương Tây suy giảm và đội ngũ của ông Trump đã nói về một kế hoạch hòa bình tiềm năng.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức kinh tế, tỷ lệ thương vong cao và vấn đề nhân lực, dường như khó có khả năng hai bên sẽ tìm kiếm một vài hình thức ngừng bắn hoặc giải pháp hòa bình trong nửa đầu năm 2025. Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc xung đột mà giới lãnh đạo hiện tại của nước này không sẵn sàng đàm phán với Điện Kremlin dựa trên điều kiện nhượng bộ lãnh thổ. Trong khi đó, Nga cảm thấy hiện nay họ đang ở thế thượng phong trên chiến trường và tìm cách đạt được tối đa các thành quả về lãnh thổ nếu động lực chiến trường tiếp tục mang lại lợi thế cho họ trong những tháng tới.
Cuộc giao tranh sống còn của Ukraine
Ukraine coi cuộc xung đột hiện nay là mối đe dọa hiện hữu với chính sự tồn tại của nước này. Giới chức Ukraine cho rằng nếu nước này thất bại, Moscow sẽ tìm cách "Nga hóa" toàn bộ lãnh thổ của họ. Do đó, giới lãnh đạo chính trị của Ukraine khó có khả năng tiến tới đàm phán trong năm tới trừ khi tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, đáng chú ý là Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tự cấm mình đàm phán với Tổng thống Putin vào tháng 10/2022 nhưng ông không loại trừ khả năng đó trong tháng này.
Trong khi vẫn khẳng định sẽ không có sự trao đổi nào về chủ quyền, an ninh, tương lai hoặc từ bỏ quyền kiểm soát với toàn bộ lãnh thổ của Ukraine thì ông Zelensky cho biết không có khả năng nước này cân nhắc đàm phán từ vị thế yếu. Ông Zelensky cũng tuyên bố Mỹ không thể buộc Kiev đàm phán bởi Ukraine đã chứng minh rằng những tuyên bố "ngồi xuống và lắng nghe" không hiệu quả. Tuy nhiên, ông dường như thừa nhận rằng sẽ rất khó để Nga bị đẩy trở lại biên giới năm 1991.
Tất cả những điều này cho thấy mặc dù thừa nhận Ukraine không thể khôi phục biên giới năm 1991 nhưng ông Zelensky không sẵn sàng đàm phán với Nga cho tới khi tình hình được cải thiện trên thực địa. Khả năng cao là giới lãnh đạo Ukraine sẽ không đàm phán mà tập trung vào việc kháng cự trước các cuộc tiến công của Nga.
Giới quan sát đánh giá, bất kỳ lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình nào sẽ không kéo dài lâu. Ngoài ra, việc chấm dứt xung đột sẽ làm tăng nhu cầu tiến hành các cuộc bầu cử mới ở Ukraine. Ông Zelensky từng nói ông sẽ không ra tranh cử lần thứ hai nhưng đến năm 2023, lập trường của ông dường như đã thay đổi dù không rõ ông có thể tái đắc cử nếu cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian sớm hay không.
Điện Kremlin tập trung đạt được tối đa thành quả về lãnh thổ
Đầu tháng này, các nguồn tin thân cận với ông Putin cho biết Nga không loại trừ việc chấm dứt xung đột với tiền tuyến hiện tại nhưng sẽ không thảo luận về bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ lớn nào với Ukraine ngoài các khu vực nhỏ mà nước này kiểm soát ở Kharkov và Mykolaiv.
Tuy nhiên, khi xét đến những bước tiến quân sự gần đây ở miền Đông Ukraine và lợi thế về quân số cũng như vũ khí, có vẻ như Điện Kremlin sẽ không cân nhắc đàm phán trên cơ sở đó vào năm 2025.
Tổng thống Putin đã tuyên bố rõ vào tháng 10/2022 và nhắc lại trong kế hoạch hòa bình của ông vào tháng 6/2024 rằng mục tiêu tối thiểu của ông là sáp nhập hoàn toàn các vùng Zaporizhzhia, Kherson, Lugansk và Donetsk.
Diễn biến trên tiền tuyến hiện tại cho thấy Điện Kremlin vẫn tập trung vào việc chiếm giữ càng nhiều lãnh thổ càng tốt ở 4 khu vực được sáp nhập một phần như một bước đệm mạnh mẽ cho mục tiêu lớn hơn này. Mọi thứ đều cho thấy ý định của Moscow là tiến hành một "chiến dịch quân sự đặc biệt" với tốc độ tương tự hoặc thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Nga đang tăng cường sản xuất quân sự, triển khai quân đội trên tiền tuyến tích cực hơn và đẩy mạnh tuyển quân trong nước. Nga đã tuyên bố sẽ dành kỷ lục 145 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2025 - tăng 25% so với năm 2024. Moscow cũng đầu tư mạnh mẽ vào các loại vũ khí mới, đặc biệt là UAV trong khi đảm bảo nguồn đạn dược, tên lửa và UAV bổ sung từ các nguồn cung khác nhau. Điều này được thể hiện rõ nhất là việc Nga đã tăng cường các cuộc tấn công phối hợp trên bộ với trên không, cũng như gia tăng sử dụng UAV và tên lửa nhằm vào nhiều khu vực trên tiền tuyến Ukraine
Dự đoán tình hình năm 2025
Quân đội Nga sẽ có mục tiêu tăng cường các nỗ lực tấn công vào phía Nam và phía Đông Ukraine, tận dụng mùa đông để thay mới kho vũ khí và nối lại các cuộc tấn công mặt đất vào mùa xuân để chiếm thêm lãnh thổ ở Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson và có khả năng là Kharkov. Trong lúc đó, có thể các cuộc tấn công UAV và tên lửa của Nga sẽ được tăng cường để làm tê liệt các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đặc biệt là ngành điện trong mùa đông tới.
Ukraine sẽ tập trung vào việc ngăn cản các lực lượng của Nga tiến công ở phía Đông và phía Nam bởi Moscow sẽ gia tăng lợi thế về nhân lực, UAV, đạn pháo và tên lửa để áp đảo các hệ thống phòng thủ của Ukraine cũng như tiến sâu hơn vào các vùng lãnh thổ của đối phương.
Những cuộc tấn công tên lửa tăng cường sẽ gây ra tỷ lệ thương vong cao cũng như khiến các cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng. Giới quan sát đánh giá, trong khi quân đội Nga có thể chiếm phần còn lại của khu vực Donetsk và tiến công từ từ ở phía Nam thì nước này sẽ chưa thể đạt được thành quả đáng kể về lãnh thổ trong năm tới do không thể duy trì nhịp độ tấn công dữ dội như vậy trước sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine trong cả năm sau.
Trong khi đó, do sự hỗ trợ quân sự của Mỹ có khả năng suy giảm nên Ukraine sẽ phải tập trung vào việc tăng chi tiêu quân sự trong nước bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu khác cũng như không thể đảm bảo huy động đủ lực lượng để lấp đầy khoảng trống ở các khu vực tiền tuyến quan trọng. Dù vậy, đảm bảo sản xuất quân sự trong nước và nhận được những gì còn lại của viện trợ từ Mỹ cũng như các nước EU có thể cho phép Ukraine làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông và phía Nam vào năm tới.