Vì sao phim Hàn Quốc không ngừng xoáy sâu vào bạo lực học đường?

Nam Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo KoreaHerald | 23/05/2022, 07:07

Những năm gần đây, bạo lực học đường đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất với làng giải trí Hàn Quốc. Các nhà làm phim Hàn Quốc cũng khai thác chủ đề này ngày càng trực diện hơn với tính phản biện gay gắt.

Bạo lực học đường là vấn đề rất được quan tâm tại Hàn Quốc. Không ít nghệ sĩ Hàn Quốc bị lên án gay gắt, thậm chí buộc rời khỏi ngành giải trí vì những cáo buộc họ từng bắt nạt bạn bè trong quá khứ. Trước sự quan tâm lớn của xã hội, ngày càng nhiều phim Hàn Quốc khai thác trực diện đề tài bạo lực học đường, nhằm cảnh báo mức độ phổ biến và những hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn này.

Bước ngoặt về cách làm phim

Ra mắt đầu tháng 4, "Tomorrow" là bộ phim Hàn Quốc mới nhất mô tả nạn bạo lực học đường. Trong phim, một tác giả truyện tranh nổi tiếng nhanh chóng nhờ những tác phẩm chỉ trích nạn bắt nạt giữa các học sinh. Tuy nhiên trên thực tế, anh ta lại là người gây ra bạo lực tại trường học; đồng thời gián tiếp khiến một nạn nhân tìm cách tự tử.

Trước đây, phim Hàn Quốc hiếm khi lên án gay gắt bạo lực học đường. Một số bộ phim và chương trình giải trí thậm chí mô tả đây là một phần trong quá trình trưởng thành của học sinh. Phim “School 2013” (2013) còn cho rằng các hành vi sai trái của học sinh là do ảnh hưởng của môi trường giáo dục yếu kém, vì vậy cần được thông cảm.

Tuy nhiên những năm gần đây, phim Hàn Quốc đã không còn khoan dung với bạo lực học đường và coi đây là hành vi không thể chấp nhận được. Loạt phim "All of Us Are Dead" mô tả nạn bạo lực học đường đã làm bùng phát virus và xác sống (zombie), nhằm truyền đi thông điệp ngay cả trẻ vị thành niên cũng có thể gây ra những tội ác khủng khiếp.

Những bộ phim như "Juvenile Justice", "Taxi Driver" hay "I Want to See Your Parent’s Face" xoáy sâu vào chủ đề tấn công tình dục, tội phạm vị thành niên và quấy rối trong trường học. Trong đó, "Juvenile Justice" cho thấy nạn nhân bạo lực học đường có thể bị hủy hoại ra sao và ủng hộ các hình phạt nghiêm khắc cho tội phạm vị thành niên.

Nhà phê bình Kong Hee-jung nhận định, phim Hàn Quốc trước đây thường mô tả các thanh thiếu niên phạm pháp nhanh chóng tiến bộ khi được giáo viên cảm hóa, nhưng giờ đây các bộ phim đã công kích nạn bạo lực học đường một cách trực diện hơn.

Sự ủng hộ lớn từ công chúng

Một số khán giả lo ngại những nội dung bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều trên phim ảnh sẽ kích thích hành vi của giới trẻ. Tuy nhiên phần đông công chúng Hàn Quốc cho rằng việc phản ánh trực diện vấn nạn này giúp xã hội quan tâm hơn, đồng thời đưa ra cảnh báo quan trọng cho các bậc phụ huynh về thực trạng hiện nay.

Nhà phê bình Jung Duk-hyun ủng hộ các nhà làm phim tập trung vào các vấn đề thực tế như bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng Internet và tội phạm vị thành niên; thay vì chỉ nói về những ước mơ và lãng mạn trong các bộ phim cho thanh thiếu niên. Trong đó, sự tích cực của các nền tảng trực tuyến như Netflix đóng vai trò quan trọng và "mở đường" cho chủ đề nóng vốn được coi là "tế nhị" với những kênh truyền hình chính thống.

Luật sư Noh Yoon-ho - người chuyên về các vụ việc bạo lực học đường tại Hàn Quốc tin rằng khi những nhà làm phim có cách tiếp cận nghiêm túc sẽ đẩy làn sóng phẫn nộ của công chúng, trong bối cảnh vấn nạn này vẫn đang bị phớt lờ ngay tại các trường học ở Hàn Quốc.

"Nhiều học sinh vẫn phớt lờ bạo lực học đường vì sợ rằng mình có thể trở thành nạn nhân hoặc vô tình dính líu vào vụ việc. Ngay cả nhiều cha mẹ cũng cố gắng tách con cái ra khỏi câu chuyện này vì lo sợ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập" - luật sư Noh Yoon-ho nói.

Theo luật sư Noh Yoon-ho, các phương tiện truyền thông có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng tại Hàn Quốc về bạo lực học đường. Tuy nhiên tình trạng này chỉ có thể được ngăn chặn khi người lớn thấu hiểu các nạn nhân và các học sinh không trở thành những người ngoài cuộc vô cảm với bạn bè của mình./.

Bài liên quan
Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não dưới góc nhìn pháp lý
Liên quan vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não tại Hà Nội, tối 27/3, cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008; trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất