Nhưng theo ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và truyền thông môi trường, cần phải nhìn nhận sâu xa hơn nữa: "Như ở phường bên Ngọc Lâm quận Long Biên họ có 1 ô tô đỗ gần Ủy ban nhiều năm nay rồi chuyên để chở rác cồng kềnh cho dân, thì đó cũng là cái tốt. Nhưng ở công viên Ngọc Lâm vẫn có cái chiếu, ghế sopha vứt ra, nên cái ý thức của người Việt Nam mình kém và khâu phát hiện, xử lý cũng không kịp thời.
Nhưng không phải người dân không có ý thức đâu. Nhưng phân loại xong mà lại bỏ chung hết lên xe thì người dân thấy hiệu quả không cao nên không tuân thủ là do người dân thấy không đồng bộ".
Cùng quan điểm về sự chưa đồng bộ hiện nay trong việc xử lý loại rác thải cồng kềnh, ông Nguyễn Thi, chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường còn phân tích thêm: "Nguyên nhân đầu tiên vẫn là chính sách chưa đầy đủ. Nguyên nhân thứ 2 là chưa có đầu ra trong việc thu gom tái chế này.
Nguyên nhân thứ 3 là thiếu cơ chế thực hiện, nếu có cơ chế thì lại chưa có thiết chế thực hiện, nếu có thiết chế rồi thì việc thực hiện còn chưa nghiêm, làm cho người dân cứ vứt bừa bãi ra đấy mà không có ai xử lý thì đương nhiên là người dân không muốn thực hiện. Cái thứ 4 là ý thức của người dân, đương nhiên ý thức này không phải từ 1 phía mà là còn từ phía chính quyền, xã hội, xã hội mà lên tiếng và thực hiện thì ý thức của người dân sẽ lên cao."
Gần đây nhất, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã thực hiện lắp đặt thí điểm 1 máy nghiền rác cồng kềnh ngay tại Cầu Diễn để thực hiện thu gom và nghiền rác cồng kềnh tại địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm này sau 3 tháng hoạt động, bà Ngô Thanh Loan Trưởng phòng Truyền thông Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết một kết quả khá bất ngờ: "Thời gian vừa qua công ty cũng đã thí điểm đặt 1 máy nghiền rác cồng kềnh tại quận Nam Từ Liêm. Hiện tại bây giờ ở Cầu Diễn mới được 1 tấn/ngày mà công suất của cái máy này là còn gấp khoảng 7-8 lần.
Và cũng đúng 1 phần vẫn hơi thiếu là truyền thông mạnh mẽ về các điểm tập kết, cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí truyền thông nữa để tuyên truyền mạnh mẽ hơn trong công tác này đến với người dân, cho nó gọn gàng, không bị vứt bừa bãi trên đường phố nữa."
Dù giải pháp hiệu quả cho việc xử lý rác cồng kềnh được đánh giá là không khó, nhưng lại phải cần tới sự đồng bộ ở tất cả các khâu, từ phân loại, thu gom cho tới xử lý, tái chế và tuyên truyền, phổ biến.
Trong đó, khâu đầu tiên cần thực hiện chính là việc các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định, quy chế cụ thể liên quan tới việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo nghị định 45 trước thời hạn 31/12/2024.