Văn khấn hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024

12/02/2024, 18:22

Để tiễn đưa tổ tiên sau mấy ngày ăn Tết cùng con cháu, các gia đình cần có mâm cỗ đủ đầy và chuẩn bị bài văn khấn hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024 chuẩn.

Theo truyền thống, lễ hoá vàng, hay còn gọi là lễ tạ năm mới, thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày mùng 3 tới mùng 7 Tết. 

Văn khấn hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024

Dưới đây là bài văn khấn hóa vàng Tết Giáp Thìn 2024 theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa,Táo quân, Long Mạch, Tôn thần.

Con kính lạy các cụ tổ khảo, tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Tín chủ (chúng) con là... ngụ tại...

Hôm nay là ngày… tháng Giêng năm 2024 Giáp Thìn. Tín chủ con thành tâm sắp sửa hương hoa nước quả kim ngân vàng bạc, phẩm vật trà tửu dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ tôn thần, rước tiễn tiên linh trở về âm giới.

Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được chừ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, nhất tâm kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Mẫu văn khấn hóa vàng trong “Tập văn cúng gia tiên” 

Hôm nay ngày…

Tại thôn… xã/phường… huyện/quận… tỉnh/TP…

Tín chủ là… cùng toàn gia kính bái.

Nay nhân ngày lễ tạ.

Kính cẩn sắm một lễ gồm…, gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên: Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên Thổ công, liệt vị tôn thần.

Trước linh vị của... 

Kính cẩn thưa rằng:

Tiệc xuân đã mãn

Lễ tạ kính trình

Rước tiễn tiên linh

Lại về âm giới

Buổi đầu năm mới

Toàn gia mong đợi

Lưu phúc lưu ân

Kính cáo tôn thần

Phù trì phù hộ

Dương cơ âm mộ

Mọi chỗ tốt lành

Con cháu an ninh

Vận hành khang thái

Cẩn cáo!

Lễ hóa vàng thường được thực hiện từ mùng 3 đến mùng 7 Tết. (Ảnh: Viên Minh)

Lễ hóa vàng thường được thực hiện từ mùng 3 đến mùng 7 Tết. (Ảnh: Viên Minh)

Ý nghĩa lễ hóa vàng

Đây là lễ hóa hương vàng, quần áo, đồ mã tiễn ông bà về âm cảnh sau 3 ngày bên con cháu đón Tết. Chính vì vậy, người ta thường gọi lễ hóa vàng là lễ cúng tiễn đưa ông bà ngày đầu năm. Lễ cúng hóa vàng thể hiện lòng tôn kính, tri ân đối với tổ tiên và mong ước có một năm nhiều may mắn, bình an, thịnh vượng.

Theo quan niệm nhân gian, phải có lễ tạ thì tấm lòng của gia chủ mới được chứng giám, nên lễ hóa vàng rất quan trọng trong ngày Tết. Sau khi lễ, gia chủ tiến hành hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần được hóa trước, tiền vàng, vật dụng của tổ tiên hóa sau. Nơi đốt vàng mã thường sẽ có một cây mía dài với ý nghĩa dùng làm gậy chống để linh hồn mang hàng hóa về cõi âm.

Lễ vật cúng hóa vàng 2024 gồm có:

  • Hương, hoa, nước, quả (ngũ quả)
  • Trầu cau
  • Rượu
  • Đèn, nến
  • Lễ ngột, bánh kẹo
  • Mâm cỗ mặn: xôi, gà, bánh chưng, các món Tết đầy đủ, tinh khiết.

Khánh An

Bài liên quan
Văn khấn thả cá Tết ông Công ông Táo
Ngoài bài khấn đọc lúc thắp hương cúng ông Công, ông Táo, một số người còn chuẩn bị cả văn khấn thả cá phóng sinh sau khi lễ cúng hoàn tất.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ trao giải Búa Liềm vàng 2024
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” lần thứ IX – năm 2024.
Mới nhất