Ván bài năng lượng của Nga ở châu Á trong bối cảnh xung đột Ukraine

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: The Diplomat | 29/09/2022, 07:29

Sự ổn định và tính tin cậy của khách hàng châu Á trong việc mua dầu, khí hóa lỏng và than đá của Nga là nhân tố quan trọng nhất mang lại cho Nga không gian chiến lược khi đối mặt với sức ép lớn từ phương Tây.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Nga và Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan vào tháng 9/2022 cho thấy nỗ lực của Nga thoát ly sự phụ thuộc vào phương Tây. Các sáng kiến trong các diễn đàn này đều thúc đẩy hoạt động của Nga xoay trục sang châu Á.

Đối với Tổng thống Nga Putin, các nước châu Á-Thái Bình Dương trở thành các trung tâm tăng trưởng kinh tế và công nghệ mới và Nga cần thiết phải đi theo xu hướng châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra một động lực kinh tế nội địa mới và một phương án thay thế có tính khả thi cho việc phụ thuộc châu Âu và Mỹ ở một vài lĩnh vực. Đồng thời, châu Á đã trở thành cái nôi của các trung tâm quyền lực mới trên thế giới này, nơi Moscow tìm kiếm sự tôn trọng dành cho chủ quyền, các giá trị dân tộc và lợi ích quốc gia.

Các nguồn năng lượng của Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi hoàn toàn quốc gia này thành một thế lực Á-Âu đầy đủ và phục vụ các mục tiêu chiến lược hiện nay của Moscow.

Các lệnh trừng phạt đã cản trợ kinh tế Nga ra sao

Hơn 7 tháng diễn ra cuộc chiến tại Ukraine, Nga đã hứng chịu nhiều tổn thất không nhỏ. Kremlin buộc phải khẩn trương ban bố lệnh “động viên một phần” để bảo vệ các vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Ukraine. Với hoạt động trưng cầu dân ý mới đây ở một số vùng như thế, Nga đứng trước khả năng tuyên chiến chính thức với Ukraine - kịch bản đó tạo áp lực Nga phải tăng cường quan hệ hơn nữa với châu Á.

Nga xoay trục sang phương Đông không phải là chiến lược mới mẻ. Nguồn gốc chiến lược này có từ những năm cuối cùng của Liên Xô. Nhưng quan hệ xấu đi của Nga với phương Tây chính là gốc gác cho quá trình đẩy nhanh chiến lược này vào thời điểm hiện tại.

Dù các lệnh trừng phạt của phương Tây không bẻ gãy được ý chí của Kremlin tại Ukraine, chúng đã ảnh hưởng đến thặng dư ngân sách của Nga. Giới chức Nga đang cố gắng duy trì ổn định kinh tế trong nước.

Dù thặng dư thương mại của Nga chứng kiến vài mức tăng kỷ lục kể từ tháng 3/2022, khoảng cách tăng thêm đó đã thu hẹp lại trong mùa hè vừa qua. Vào tháng 8/2022, doanh thu của Nga từ dầu khí ghi nhận mức thấp nhất trong 14 tháng qua.

Trong bối cảnh ấy, công nghiệp năng lượng được xác định đóng vai trò tiên phong trong ổn định nền kinh tế Nga. Ngành “hydrocarbon” chiếm tới 30-40% ngân sách Nga, trong khi các ngành khác chật vật do sự trừng phạt của phương Tây.

Không phải ngẫu nhiên chính phủ Nga đang xây dựng kế hoạch thực hiện các thuế mới đối với việc sản xuất và xuất khẩu dầu khí. Mục tiêu là thu được 1.400 tỷ rúp (khoảng 23 tỷ USD) từ các nhà xuất khẩu hàng hóa vào năm 2023.

Năng lượng Nga xoay trục sang châu Á

Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác hàng đầu của Nga. Theo các dữ liệu, các nước này bảo đảm dòng chảy doanh thu đều đặn sang Nga do họ phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu và thuận tiện cho họ.

Năng lượng là chủ đề trung tâm trong Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzebekistan vừa qua. Tổng thống Nga Putin cam kết hỗ trợ các nước SCO xử lý vấn đề “năng lượng và lương thực” bắt nguồn từ các “lỗi” của các “nền kinh tế đứng đầu thế giới”.

Mặc dù Ấn Độ sẽ ngày càng quan trọng đối với Nga, hiện nay Trung Quốc vẫn là đối tác số 1 của Nga trong nỗ lực hướng Đông về mặt năng lượng. Kể từ đầu năm 2022, Bắc Kinh đã tái bảo đảm với Moscow việc mua liên tục dầu khí, than đá và điện với tổng trị giá lên tới 43,68 tỷ USD.

Nhập khẩu dầu khí và than đá Nga vào Trung Quốc tăng tương ứng ở mức 17%, 52% và 6% từ tháng 4 đến tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này có thể còn cao hơn nữa khi các tàu vận tải của Nga có thể lách luật để che giấu nguồn gốc xuất khẩu nhằm tránh lệnh trừng phạt.

Về khí đốt vận chuyển qua đường ống, Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 cho Trung Quốc, với tổng xuất khẩu năm 2022 dự kiến sẽ lên tới 17 tỷ mét khối, bằng 60% của năm ngoái (2021). Điều này khả thi nhờ vào tuyến khí đốt Power of Siberia được đưa vào hoạt động vào năm 2019, đặc biệt là sau khi Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đồng ý trong diễn đàn EEF tiến hành thanh toán việc mua bán này bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ.

Chỉ vài tuần trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một hợp đồng cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đưa khí đốt từ Viễn Đông Nga tới các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc trong 30 năm thông qua một đường ống dẫn khí mới - Tuyến Viễn Đông.

Tại Vladivostok, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc đã nhất trí về “tất cả các thông số chính” liên quan đến dự án Năng lượng Siberia 2 (50 tỷ mét khối mỗi năm), trong đó khí đốt trung chuyển qua Mông Cổ để tới thị trường khí đốt Trung Quốc. Khí đốt được vận chuyển này sẽ lấy từ chính các mỏ khí mà Gazprom phát triển để duy trì xuất khẩu khí sang EU trong vài thập kỷ tới. Lượng khí được đưa tới Trung Quốc đã bằng gần 1/3 lượng mà Gazprom xuất khẩu sang châu Âu trong năm 2021.

Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu chắc chắn đã thúc đẩy các xu hướng nói trên./.

Bài liên quan
Pháp phải 'thắt lưng buộc bụng' viện trợ cho Ukraine
Theo Le Monde, cam kết ủng hộ Ukraine đang trở thành gánh nặng đối với chính quyền của Tổng thống Pháp Macron cả về chính trị lẫn ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất