Uranium nghèo
Uranium nghèo (Depleted uranium- DU; trước đây còn được gọi là Q-metal, depletalloy hoặc D-38) là uranium có hàm lượng đồng vị phân hạch U-235 thấp hơn uranium tự nhiên. Uranium tự nhiên chứa khoảng 0,72% U-235 tính theo trọng lượng, trong khi DU được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng chứa dưới 0,3% U-235, trên thực tế, chỉ sử dụng DU chứa khoảng 0,2% U-235.
Uranium làm giàu được sản xuất lần đầu tiên vào đầu những năm 1940 khi Mỹ và Anh bắt đầu các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Hầu hết uranium nghèo tạo thành như một sản phẩm phụ của việc làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu trong các lò phản ứng và sản xuất vũ khí hạt nhân, ban đầu nóđược lưu trữ dưới dạng một sản phẩm thải không thể sử dụng uranium hexafluoride - UF6.
DU có mật độ rất cao - 19,1 g/cm3 (cao hơn 68,4% so với chì), được sử dụng trong dân sự làm đối trọng trong máy bay, che chắn bức xạ trong xạ trị, thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và container để vận chuyển vật liệu phóng xạ… Ước tính năm 2008 cho thấy, trên thế giới có khoảng 1,188,273 tấn DU.
Ứng dụng trong quân sự
Uranium nghèo có thể được sử dụng như một chất làm xáo trộn, hoặc phản xạ neutron, trong các quả bom phân hạch, làm cho một vụ nổ có năng lượng cao hơn và hiệu quả hơn. Với mật độ cao (19.050 kg/m³) viên đạn sử dụng DU có đường kính nhỏ hơn một viên đạn thường tương đương về khối lượng, có lực cản khí động học ít hơn và thâm nhập mục tiêu sâu hơn do áp lực cao hơn tại điểm va chạm.
Uranium nghèo cũng có thể được sử dụng trong vỏ giáp xe tăng, kẹp giữa các tấm thép của vỏ thép. Một số xe tăng M1A1HA và M1A2 Abrams sản xuất sau năm 1998 có các mô-đun DU được tích hợp vào vỏ giáp Chobham, ở phía trước thân xe và phía trước tháp pháo... DU cũng được sử dụng trong các loại đạn chống giáp như đạn 120 hoặc 105 mm được dùng cho tăng Challenger 1, Challenger 2, M1A1 và M1A2 Abrams.
Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với một mục tiêu cứng, chẳng hạn như xe bọc thép, mũi của thanh DU gãy, tác động và giải phóng năng lượng nhiệt tiếp theo khiến nó bốc cháy đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương kíp xe và có thể khiến chiếc xe phát nổ. DU cũng được dùng làm đạn xuyên giáp cho pháo cỡ nòng 30, 25, 20 mm gắn trên máy bay, trực thăng, xe chiến đấu bọc thép, tàu mặt nước…
DU đã được sử dụng vào giữa những năm 1990 ở Mỹ để chế tạo lựu đạn cầm tay và mìn, nhưng hiện nay đã bị ngừng áp dụng. Quân đội Nga đã sử dụng đạn DU trong đạn pháo xe tăng từ cuối những năm 1970, chủ yếu là pháo 115 mm trên xe tăng T-62 và pháo 125 mm trên T-64, T-72, T-80 và T -90.
Mỹ và NATO đã sử dụng các loại đạn DU xuyên giáp trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến tranh Bosnia, Serbia, cuộc xâm lược Iraq năm 2003, và không kích ISIS ở Syria. Người ta ước tính, từ 315 đến 350 tấn (782.414 viên đạn) DU đã được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Trong khoảng thời gian ba tuần xung đột ở Iraq trong năm 2003, hơn 1.000 tấn đạn DU trong đó, 300.000 viên đạn DU đã được sử dụng bởi lực lượng Mỹ. 15 tấn bom DU đã được sử dụng trong các vụ đánh bom Nam Tư năm 1999.
Ảnh hưởng sức khỏe
Việc lưu trữ UF6 có rủi ro về môi trường, sức khỏe và an toàn vì tính không ổn định của hóa chất này. Khi UF6 tiếp xúc với hơi nước trong không khí, nó sẽ phản ứng với độ ẩm để tạo ra UO2 F2 (uranyl fluoride), một chất rắn và HF (hydro fluoride), một loại khí, cả hai đều có khả năng hòa tan và độc tính cao. Uranyl fluoride là chất phóng xạ, gây ăn mòn và có hại khi hít phải, ăn hoặc hấp thụ qua da, có thể gây tử vong.
Theo các tờ The Lancet và Al Jazeera, DU từ đạn pháo Mỹ bị nghi ngờ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong chung ở Iraq kể từ năm 1991. Việc sử dụng DU trong đạn dược đang gây tranh cãi vì lo ngại về các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Hoạt động bình thường của thận, não, gan, tim và nhiều hệ thống khác có thể bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với uranium, bị nhiễm phóng xạ yếu vì thời gian bán hủy phóng xạ dài của uranium-238 (4468 triệu năm) và lượng uranium-234 thấp (chu kỳ bán rã khoảng 246.000 năm) và uranium-235 (chu kỳ bán rã 700 triệu năm).
Một số nghiên cứu sử dụng tế bào nuôi cấy và động vật gặm nhấm trong phòng thí nghiệm cho thấy DU có khả năng gây ra bệnh bạch cầu, di truyền, sinh sản và thần kinh do phơi nhiễm mãn tính. Một đánh giá dịch tễ học năm 2005 đã kết luận: “Tổng hợp các bằng chứng dịch tễ học ở người liên quan với nguy cơ dị tật bẩm sinh ở con cái của những người tiếp xúc với DU”.
Cuộc chiến đầy cam go
Một số chuyên gia về luật quốc tế đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc tiếp tục sử dụng vũ khí DU, nhấn mạnh rằng các tác động có thể vi phạm nguyên tắc phân biệt (giữa dân thường và quân nhân). Một số quốc gia và Liên minh Quốc tế Cấm vũ khí uranium (gồm hơn 155 tổ chức phi chính phủ) đã yêu cầu cấm sản xuất và sử dụng vũ khí DU. Nghị viện châu Âu đã nhiều lần thông qua nghị quyết yêu cầu một lệnh cấm ngay lập tức về việc sử dụng đạn dược DU, nhưng Pháp và Anh - hai nước EU duy nhất là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) - đã liên tục phản đối, với cớ lý do rủi ro sức khỏe là vô căn cứ.
Năm 2007, Pháp, Anh, Hà Lan và Séc đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng LHQ nhằm tổ chức một cuộc tranh luận vào năm 2009 về tác động của việc sử dụng vũ khí và đạn chứa DE. Tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu khác đã bỏ phiếu ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng, nhưng không ai trong số các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ nghị quyết vì Trung Quốc vắng mặt, Nga bỏ phiếu trắng và Mỹ phủ quyết.
Ngày 21/6/2009, Bỉ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm “đạn và áo giáp trơ có chứa DU hoặc bất kỳ loại uranium khác nào được sản xuất công nghiệp”. Tháng 4/2009, Thượng viện Bỉ đã bỏ phiếu nhất trí hạn chế các khoản đầu tư của các ngân hàng Bỉ vào các nhà sản xuất vũ khí chứa DU. Tháng 12/2010, 148 quốc gia ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi các quốc gia dùng vũ khí DU trong xung đột tiết lộ khu vực vũ khí DU đã được sử dụng khi quốc gia đó yêu cầu.
Tháng 12/2014, 150 quốc gia đã ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ khuyến khích mọi quốc gia hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vũ khí DU, đặc biệt là trong việc xác định và quản lý các địa điểm và vật liệu bị ô nhiễm. Trước khi bỏ phiếu, trong một báo cáo gửi Tổng thư ký LHQ theo yêu cầu của nghị quyết năm 2012 được công bố vào tháng 6/2014, Iraq đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí DU. Trái ngược với các nghị quyết hai năm trước, Đức chuyển từ ủng hộ sang bỏ phiếu trắng khi thông qua nghị quyết. Xem ra, lộ trình cấm loại đạn độc hại này vẫn còn nhiều cam go và khó đoán định./.