Theo Korea Times, một nữ sinh 18 tuổi ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, có họ là Park, đã ăn kiêng theo chế độ “chỉ uống nước” gần một tuần nay. Trong khoảng thời gian này, cô chỉ dùng nước, muối và một số chất bổ sung dinh dưỡng còn hoàn toàn nhịn ăn.
Mục tiêu của cô là đạt được 120 điểm trên thang đo “chiều cao trừ cân nặng”, được cho là tiêu chuẩn lý tưởng cho việc trở nên thon gọn. Cụ thể, hiện tại với chiều cao 160 cm và cân nặng 47 kg, cô muốn giảm thêm 7 kg trước khi vào thời điểm giữa mùa hè.
Giống như Park, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là các nữ sinh, đang áp dụng chế độ “chỉ uống nước” cực đoan này. Chế độ ăn kiêng này đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là khi có thông tin các ngôi sao nổi tiếng nhanh chóng giảm cân mà không cần tập thể dục thông qua cách tương tự.
Tính đến 10/6 tại Hàn Quốc, đã có hơn 1.000 bài viết với hashtag “nhịn ăn chỉ uống nước” trên Instagram, trong khi đó YouTube có một số video chia sẻ kinh nghiệm giảm mỡ thông qua chế độ ăn kiêng này, cũng như mẹo kiềm chế cơn đói.
“Tôi đang nhịn ăn, và việc chịu đựng triệu chứng chóng mặt có vẻ khó hơn chịu đói”, một người dùng nói trên mạng xã hội X. Nhiều người dùng cũng tuyên bố họ đã nhịn ăn gần một tháng và giảm hơn 10 kg.
Theo báo cáo của Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc, năm 2023, số lượng bệnh nhân nữ mắc chứng biếng ăn ở độ tuổi thiếu niên đã tăng gấp 7 lần, từ 275 trường hợp vào năm 2018 lên đến 1.874 trường hợp vào năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng những chế độ ăn kiêng cực đoan ở tuổi vị thành niên không thể tránh khỏi gây ra gián đoạn phát triển thể chất và nhận thức, thậm chí gây ra các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn kinh nguyệt, loãng xương và rối loạn ăn uống.
“Bác sĩ khuyến cáo rằng thanh thiếu niên không nên ăn kiêng vì ngoại hình thay vì sức khỏe. Việc nhịn ăn gián đoạn, được coi là một phương pháp ăn kiêng, cũng không nên áp dụng trong hơn 16 giờ. Nếu tự bỏ đói bản thân lâu hơn khoảng thời gian đó, bạn có thể gặp hậu quả nguy hiểm", giáo sư Sim Kyung-won, khoa y học gia đình tại Bệnh viện Đại học Nữ Ewha Mokdong cho biết.
Bên cạnh đó, giáo sư Kang Jae-heon, khoa y học gia đình tại bệnh viện Samsung Gangbuk, cũng nói: "Thật khó để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng chỉ bằng nước khoáng và chất bổ sung, vì cơ thể con người cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như protein và chất béo".
Một số người cho rằng chủ nghĩa hình thức ngày càng lan truyền ở Hàn Quốc đã góp phần vào hiện tượng này.
“Khi hình ảnh cơ thể nữ giới quá gầy trở thành hình mẫu lý tưởng thông qua mạng xã hội, một số người có thể trở nên ám ảnh với chế độ ăn kiêng cực đoan đó. Đặc biệt, những thanh thiếu niên chưa đủ tự tin vào bản thân có thể đang cố gắng thỏa mãn cảm giác thành tựu thông qua việc có được cơ thể thon gọn”, giáo sư Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, nói.