Từ vụ tiếp viên “xách” ma túy: Tội phạm ma túy ngày càng xảo quyệt

Nguyễn Hiền/VOV.VN | 22/03/2023, 08:18

Qua vụ việc tiếp viên “xách” ma túy một lần nữa cho thấy, sự phức tạp, khó lường, và những thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt của tội phạm ma túy qua tuyến hàng không.

Vụ 4 tiếp viên hàng không Việt Nam bị phát hiện “xách” ma túy về nước đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều câu hỏi được đưa ra, liệu có hay không việc 4 tiếp viên hàng không “xách hộ” ma túy.

Về vấn đề này, cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ các tình tiết của vụ việc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ việc này một lần nữa cho thấy, sự phức tạp, khó lường và những thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt của tội phạm ma túy qua tuyến hàng không.

Ma túy hàng không nổi lên là tuyến trọng điểm

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04), qua các vụ vận chuyển ma túy bằng đường hàng không được phát hiện cho thấy, hầu hết các vụ đều nằm dưới sự kiểm soát của người nước ngoài và đã hình thành các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Các đối tượng buôn bán lợi dụng gửi qua đường hành lý xách tay của khách nhập cảnh, xuất cảnh, du học sinh, người đi công tác tại nước ngoài, đặc biệt, có những vụ việc các đối tượng còn lợi dụng người nước ngoài mắc bệnh hiểm nghèo để vận chuyển ma túy nhập cảnh vào Việt Nam...

Trước vụ 4 tiếp viên hàng không Việt Nam bị phát hiện “xách” ma túy về nước, cách đây không lâu ngày 28/11/2022, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra 2 lô hàng được vận chuyển qua đường hàng không, phát hiện khoảng 7,8kg nghi ma túy tổng hợp.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Hải quan phát hiện hai lô hàng được gửi từ Đức và Séc về Việt Nam qua đường hàng không có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra lô hàng gửi từ Đức về Việt Nam, lực lượng chức năng phát hiện ma túy được pha trộn, đóng gói dưới vỏ bọc các hộp bánh, kẹo, thực phẩm, kem đánh răng... Kiểm tra lô hàng gửi từ Cộng hòa Séc về Việt Nam, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 3,8kg ma túy được cất giấu dưới vỏ bọc các lọ kem dưỡng da, dầu gội...

Theo lãnh đạo Cục C04, việc đấu tranh với loại ma túy này gặp rất nhiều khó khăn, bởi, địa chỉ người gửi ma túy từ châu Âu là giả, số điện thoại cũng ảo. Chúng thông qua các công ty chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy, sau đó, người đến nhận hàng cũng là người được thuê, như Grab, các công ty logistics. Nếu không có biện pháp nghiệp vụ, không có thời gian dài sử dụng nghiệp vụ để xác minh đấu tranh thì khó làm rõ được. Nếu có bắt được thì cũng chỉ là người được thuê nhận hộ

Thực tế có cục nghiệp vụ đã bắt được đối tượng nhận hàng là sinh viên năm thứ nhất, người này khai cứ nghĩ là người yêu tặng gói hàng mỹ phẩm được người quen ở Đức chuyển về, nhưng bên trong lại là ma túy.

Nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan thành phố Hà Nội) cho biết, chỉ tính riêng năm 2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài chủ trì, phối hợp phát hiện 12 vụ vận chuyển ma túy, tang vật thu giữ hơn 260kg ma túy các loại, bắt giữ 9 đối tượng. Số vụ ma túy phát hiện năm 2022 tăng gần gấp đôi so với năm 2021.

Theo ông Đinh Quang Huy, nếu như trước đây, người nhận hàng ghi tên cụ thể thì nay các đối tượng thay đổi phương thức, phần lớn chuyển hàng qua công ty vận chuyển, không ghi địa chỉ cụ thể. Do đó, đơn vị cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ và bí mật để phối hợp với các lực lượng bắt giữ đối tượng và tang vật….

Với hàng loạt các giải pháp được triển khai ngay đầu năm 2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã chủ trì xác lập một chuyên án về phòng chống ma túy, đã bắt giữ một vụ ma túy trọng lượng khoảng 55kg ma túy tổng hợp. Chi cục đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, phá án.

Tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, các biện pháp chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy cũng được đơn vị này tập trung triển khai ngay từ đầu năm 2023.

Để kịp thời phát hiện các vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy, đơn vị đã chỉ đạo đội nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát và soi chiếu toàn bộ bưu kiện gửi từ nước ngoài về và xuất đi; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công việc, xem xét lô hàng nghi vấn cao để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát. Song song đó, đơn vị cũng tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, đặc biệt Cục Điều tra chống buôn lậu, lực lượng Công an, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy Hải quan Hà Nội để kịp thời phát hiện các vụ việc.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan thành phố Hà Nội), từ các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, đơn vị nhận định, tội phạm ma túy đã và đang lợi dụng đường chuyển phát nhanh để trà trộn ma túy trong các lô hàng quà biếu, tặng, tên người nhận chung chung để vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Năm 2022 số vụ ma túy do đơn vị phối hợp, chủ trì bắt giữ là 12 vụ, tăng đáng kể so với năm 2021.

Để đấu tranh có trọng điểm, triệt phá thành công các vụ ma túy, đơn vị tăng cường trang thiết bị chuyên dụng, kiểm soát chặt các tuyến đường trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, đối với hàng nhập chú trọng tuyến đường từ châu Âu về Việt Nam, đặc biệt các nước Đức, Hà Lan, Séc. Mặt hàng xuất đi nước ngoài quan tâm các lô hàng đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand... Đơn vị tăng cường biện pháp sử dụng trang thiết bị chuyên dụng, máy ngửi ma túy hiện đại được trang bị nhằm phát hiện, bắt giữ các vụ ma túy,” ông Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh./.

Theo Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Trong thực tế, có không ít vụ việc người dân được nhờ sách hộ hàng hóa, hàng lý nhưng hoàn toàn không biết trong đó có hàng hóa hoặc chất bị cấm vận chuyển, mua bán. Do đó, việc các nữ tiếp viên khai không biết số hàng hóa kem đánh răng có chứa chất ma túy, họ chỉ được thuê vận chuyển từ một người lạ mặt, với tiền công vận chuyển là 10.000.000 đồng là có căn cứ và chính xác hay không thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra. Đây mới chỉ là lời khai ban đầu của các nữ tiếp viên, và cũng không phải là căn cứ duy nhất để làm sáng tỏ vụ việc. Lời khai của họ chỉ được coi là khách quan khi phù hợp với các chứng cứ, tình tiết khác của vụ việc như: Lịch trình di chuyển, gặp gỡ của họ tại Pháp, lịch sử điện thoại, nội dung tin nhắn, lời khai của những làm chứng, hoặc những người liên quan khác (nếu có).v.v…

Tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.” Theo quy định này, Cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm đấu tranh, thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc, sử dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật khách quan của vụ việc, trong đó có tính khách quan trong lời khai của các nữ tiếp viên.

Xét về mặt hành vi khách quan thì các nữ tiếp viên đã có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm thì hành vi này còn phải thỏa mãn yếu tố chủ quan của tội phạm (yếu tố lỗi, động cơ và mục đích), tức là các nữ tiếp viên còn phải biết được các hàng hóa mà mình vận chuyển là ma túy nhưng vẫn cố ý thực hiện. Trong trường hợp này, hành vi của các nữ tiếp viên sẽ có thể cấu thành “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” hoặc “Tội mua bán trái phép chất ma túy” (nếu biết việc vận chuyển ma túy là nhằm mục đích mua bán chất ma túy) theo quy định tại Khoản 4 Điều 250 hoặc Khoản 4 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm những tội danh này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến

500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong trường hợp các nữ tiếp viên không biết các hàng hóa mà mình vận chuyển là ma túy thì hành vi của họ không cấu thành tội phạm và họ không phải chịu trách nhiệm hình sự./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất