Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) công bố video tiết lộ thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực bay siêu thanh. Theo đó, một máy bay không người lái (UAV) thuộc dòng MD của nước này được phóng từ vị trí gần không gian bằng khinh khí cầu, đạt tốc độ Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh-8.643 km/h) trước khi hạ cánh an toàn để tái sử dụng.
Video Trung Quốc thử nghiệm UAV siêu thanh MD. (Nguồn: SCMP)
Video cũng trình bày chi tiết các thử nghiệm của dòng máy bay MD và những nhà phát triển đứng sau loại máy bay này. Đội ngũ từ Viện Cơ học (IMECH) thuộc CAS, được biết đến với tên gọi “Nhóm Nhiệm vụ khoa học trẻ Tiền Học Sâm”, cũng chính là những chuyên gia đạt được thành tựu hạ cánh ngang đầu tiên của UAV siêu thanh vào năm 2020.
Chuyến bay siêu thanh là lĩnh vực cạnh tranh chiến lược toàn cầu khốc liệt trong công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến.
MD-22 - mẫu mới nhất trong dòng máy bay này - lần đầu được giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2022. Máy bay này có tầm bay tối đa 8.000 km và có thể mang tải trọng lên đến 600 kg, mang lại năng lực chiến lược đáng kể.
Khái niệm chuyến bay siêu thanh gần không gian lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà khoa học Tiền Học Sâm, người được coi là "cha đẻ" của chương trình không gian Trung Quốc. Ông hình dung ra các loại máy bay có thể hoạt động trong khoảng không gian giữa máy bay thông thường và vệ tinh, yêu cầu phóng giữa không trung để tối ưu tính linh hoạt.
Các thử nghiệm bay của dòng MD - được gọi là “phương tiện tầm xa” - đã cho thấy hiệu suất hiệu quả ở cả vận tốc cao và thấp, theo đội ngũ nghiên cứu. “Chúng tôi hướng đến những điều tốt nhất. Dù ý tưởng của chúng tôi mang tính tương lai, nhưng chúng hoàn toàn khả thi về mặt lý thuyết”, kỹ sư Li Wenhao của IMECH chia sẻ trong video.
Quá trình phát triển đầy thử thách đã trải qua hơn 30 lần tinh chỉnh thiết kế để tối ưu hóa các mô hình và cải thiện thử nghiệm. Năm 2020, một thử nghiệm ban đầu thất bại do dù bung ra quá sớm. Vào tháng 5/2021, nỗ lực thử nghiệm lần hai bị hủy bỏ do thời tiết xấu ở sa mạc Gobi.
Sau khi tinh chỉnh các mô hình lý thuyết và nâng cấp quy trình thử nghiệm tại hiện trường, nhóm nghiên cứu thành công trong lần thử nghiệm bay thứ ba vào tháng 11/2021, bao gồm việc thu hồi máy bay nguyên mẫu MD-21.
“Quỹ đạo bay rất phức tạp - đầu tiên là lao xuống, sau đó bay lên và quay trở lại. Thế hệ máy bay này còn thách thức hơn cả các thế hệ trước”, kỹ sư Li Wenhao cho hay.
Được thành lập vào năm 2018, nhóm nghiên cứu là tập hợp các chuyên gia đa ngành, tất cả đều trong độ tuổi 20 và 30. Đây cũng là nơi nhà khoa học Tiền Học Sâm thành lập IMECH cách đây nhiều thập kỷ và đặt nền móng cho nghiên cứu hàng không vũ trụ của Trung Quốc.
Nhóm đã thực hiện thành công 9 chuyến bay thử nghiệm với năm mô hình thử nghiệm khác nhau. Các máy bay tái sử dụng đạt được khả năng hạ cánh ngang tự động mà không cần lực đẩy, mở rộng đáng kể giới hạn hoạt động của các phương tiện hàng không vũ trụ tái sử dụng.
“Hiện tại, chúng tôi phát triển thế hệ máy bay mới để làm cho các phương tiện siêu thanh tầm xa nhanh hơn và hiệu quả hơn", Phó giáo sư Liu Wen của IMECH, cho biết.
Trung Quốc đầu tư vào nghiên cứu sáng tạo nhằm đặt nền móng cho những bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ.
Kể từ năm 2021, CAS thành lập 188 nhóm nghiên cứu mang tên các nhà khoa học tiên phong như Tiền Học Sâm. Các nhóm này nhằm giải quyết những thách thức khoa học và đạt được nhiều đột phá đáng kể trong khoa học cơ bản và công nghệ.