Trực tiếp: Hà Nội, Quảng Ninh và các địa phương lên phương án khắc phục hậu quả bão số 3

Nhóm PV/VOV | 08/09/2024, 07:03

Ngay trong đêm 7/9, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lực lượng, mà nòng cốt là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tổ chức đi tìm kiếm, cứu hộ tập trung cứu tàu thuyền bị lật, trôi dạt...

06:50

PV Hoàng Yến/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, ngã tư phố Gia Quất với Ngọc Lâm, có một cây lớn bật gốc chắn hết đường đi. Dọc đường Ngọc Lâm lối vào và ra bến xe Gia Lâm cây đổ chắn ngang đường (chủ yếu là phượng) khiến taxi, xe buýt không thể lưu thông, xe máy phải leo lên vỉa hè để di chuyển. 

06:42

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu lực lượng chức năng sớm giải tỏa cây cối, vật cản gây ùn tắc tại các tuyến đường giao thông; đề nghị thành phố nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung khẩn trương thống kê, rà soát thiệt hại do bão gây ra và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống trong thời gian tránh trú do mưa bão.

Các lực lượng chức năng, lực lượng vũ trang phối hợp các lực lượng tại chỗ của địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, tổ chức cắt cây, di dời khỏi vị trí để bảo đảm giao thông thông suốt, ưu tiên các tuyến giao thông chính của tỉnh. 
Tuy nhiên, ông Thận nhấn mạnh, việc khắc phục hậu quả do bão gây ra là hết sức cần thiết và khẩn trương, kịp thời nhưng quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị vật tư, nhân lực để nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất, phục vụ đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

06:36

PV Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình cập nhật thông tin: Tối 7/9, ngay sau khi bão số 3 giảm cường độ, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại thành phố Thái Bình. 
Theo Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, chiều 7/9, tâm bão số 3 đi vào đất liền giữa Quảng Ninh - Hải Phòng; cường độ bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 16. Mặc dù tỉnh Thái Bình không nằm trong vùng tâm bão nhưng do đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng nên khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại địa phương. Thời điểm bão đổ bộ, sức gió ghi nhận tại Trạm Khí tượng Thái Bình mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại Trạm Thủy văn Ba Lạt gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, biển động dữ dội; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, bước đầu trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người do mưa, bão; các công trình đê điều bảo đảm an toàn. Tuy nhiên nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, do ảnh hưởng của gió mạnh kèm theo mưa lớn diện rộng liên tục trong nhiều giờ khiến nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ ngang đường; một số tuyến đường bị ngập lụt gây ùn tắc giao thông cục bộ; nhiều nhà dân, xưởng sản xuất lợp tôn bị tốc mái… 
Cùng với đó, bão số 3 đã gây ra sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh, trong đó có 4 đường dây 110kV và 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện…
Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Bình và các đơn vị liên quan đã tập trung huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão.

06:30

PV Nguyên Nhung/VOV1 thông tin, đêm qua (7/9), trao đổi với báo chí về tình hình ứng phó với cơn bão số 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 Bí thư quận, huyện, thị ủy tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội  các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, về cơ bản thành phố vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3.

Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khoẻ tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Huy động sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vận dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến...  

Các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố. 

06:24

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, tại QL15, QL15C và QL16 đoạn qua địa bàn huyện Mường Lát và Quan Hóa xảy ra tình trạng sạt lở, nứt taluy âm, taluy dương. Cụ thể, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, tại Km 20+850, QL16 phía trái tuyến qua xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) xuất hiện vết nứt taluy dương, có nguy cơ sạt lở. Chiều dài đoạn nứt khoảng 200m, cao khoảng 15-30m; bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1m.

Trong đó, tại Km 64+980 QL15C qua xã Trung Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt chiều dài khoảng 30m. Tại Km 34+600 và Km 35+400 trên tuyến QL16 qua xã Mường Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt dài khoảng 35m.

Trước nguy cơ xảy ra thảm họa, đơn vị quản lý tuyến đường đã phối hợp với UBND xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa tuyên truyền, cảnh báo, có phương án đối với 12 hộ dân phía ta luy âm của vị trí trên ra khỏi nơi nguy hiểm.

Sở GTVT Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo đơn vị quản lý lắp đặt biển cảnh báo ở 2 đầu vị trí, căng dây an toàn, cử người trực gác 24/24h để theo dõi, hướng dẫn cho người và phương tiện giao thông khi đi qua.

06:15

Theo phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc tại Quảng Ninh, về khắc phục hậu quả của bão số 3, Quảng Ninh ưu tiên xử lý các sự cố trên biển đặc biệt là các vụ việc tàu bè bị đứt dây neo, chằng chống đang trôi dạt. Những vụ việc đáng tiếc về con người có thể xảy ra. Sau đó sẽ tập trung lực lượng khắc phục hậu quả các công trình sập đổ, tốc mái, hay trụ sở các cơ quan bị phá hỏng do bão, nhanh chóng thông suốt giao thông, phục vụ các công việc khác của địa phương và nhân dân.
Điều lo lắng nhất của Quảng Ninh hiện nay là hoàn lưu bão số 3 với lượng mưa dự kiến cao kỷ lục từ 150-350mm, cục bộ có thời điểm 500mm sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Đây là nguy cơ gây sạt lở - vốn rất phổ biến sau bão tại Quảng Ninh trong nhiều năm qua.

Dự kiến sáng nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục bão số 3 trên địa bàn Quảng Ninh.

05:58

Phóng viên Đ. Hưng/VOV.VN dẫn báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tính đến 19h ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có 1 người chết do cây, 3 người bị thương, gãy đổ 2.455 cây xanh, 10 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng 6 xe máy, 13 ô tô; 13 ngôi nhà của dân bị tốc mái; sập đổ một số tường bao, hư hỏng công trình thủy lợi; sự cố mất điện 17 trạm bơm, 15 xã của huyện Thanh Oai bị mất điện. Bão số 3 làm đổ gần 6.145ha lúa, gần 16ha rau màu, 2,2ha cây ăn quả; úng ngập 47ha lúa, 26,5ha rau màu.

05:55

Bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 4h ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.

Dự báo đến rạng sáng 9/9, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển trên đất liền đến khu vực Thượng Lào, cường độ còn dưới cấp 6. 

Tuy nhiên, tác động của áp thấp nhiệt đới vẫn khiến cho trong ngày 8/9, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.

Trên đất liền, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0m - 3,0m. Từ chiều 8/9 sóng giảm dần.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

05:41

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3 đã có 4 người chết (Quảng Ninh ghi nhận 3 người, Hải Dương có 1 người) và 78 người khác bị thương (Quảng Ninh có 58 người, Hải Phòng ghi nhận 20 người).

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính từ 7h đến 19h ngày 7/9, bão số 3 khiến 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Nạn nhân tên là Cáp Minh Công (sinh năm 2002, quê tại tỉnh Hưng Yên). 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu. 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.

05:28
05:27

Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại Quảng Ninh thông tin, bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh từ 10h ngày hôm qua 6/9, khủng khiếp nhất là khoảng thời gian từ 12h trưa đến 16h chiều. Sức gió mạnh nhất đo được thời điểm bão đổ bộ tại Quảng Ninh là cấp 14, giật cấp 17, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương.

Theo thông tin sơ bộ ban đầu, bão số 3 làm người tử vong, 157 người bị thương, nhiều tàu thuyền, phương tiện vận chuyển khách tham quan các vịnh bị nhấn chìm. 70% cây xanh đô thị tại Quảng Ninh bị đổ gãy tập trung nhiều ở các địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên; hàng trăm ha rau màu, rừng trồng của người dân bị phá hủy; rất nhiều nhà dân bị tốc mái, bay cửa kính, lan can..

Đến sáng nay, địa phương vẫn chưa thể có con số thống kê thiệt hại chính xác do toàn tỉnh mất điện trên diện rộng từ trưa ngày hôm qua (6/9), mạng viễn thông bị gián đoạn, tê liệt. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã trắng đêm cùng Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 lên phương án cấp bách khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các nhà mạng và điện lực Quảng Ninh cần khắc phục ngay tình trạng mất điện, kết nối lại mạng lưới thông tin để có thống kê chính xác kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Ngay trong đêm qua, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lực lượng, mà nòng cốt là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tổ chức đi tìm kiếm, cứu hộ tập trung cứu tàu thuyền bị lật, trôi dạt...

05:20

Cục Hàng không Việt Nam  vừa quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài. Theo đó, thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi sẽ được kéo dài đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục ra Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, cũng như chủ động ứng phó cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão.

Thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi là đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, chỉ đạo của của Cục tại các công điện về việc triển khai phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (bão Yagi).

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
VOVLIVE - Trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn Cách mạng mới".
Mới nhất