Trả lời kiến nghị của cử tri để xử lý được công việc chứ không chỉ để biết

26/05/2023, 20:49

55 kiến nghị của cử tri chưa có lộ trình để giải quyết. Nhiều kiến nghị đã xử lý thì câu trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm, không mang tính hướng dẫn, giải quyết điều mà cử tri đang trông chờ.

Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri chiều 26/5, các đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới quốc hội được đưa ra thảo luận tại hội trường. Điều này góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của quốc hội, các bộ, ngành. Tuy nhiên, hầu hết trả lời mang tính giải trình và cung cấp thông tin trong khi đại biểu quan tâm hơn là chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri cũng như giám sát thực hiện các kiến nghị của cử tri.

55 kiến nghị của cử tri chưa có lộ trình để giải quyết

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho biết, theo số liệu báo cáo có hơn 80% trả lời cử tri là giải trình và cung cấp thông tin cho thấy hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề chưa rõ khiến cử tri phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

“Giải trình và cung cấp thông tin có thể làm rõ được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, tuy nhiên góc độ khác cho thấy các quy định pháp luật của ta còn thiếu đồng bộ và nhiều vấn đề mà cử tri phải hỏi. Khối lượng này rất lớn nên cần có kênh thông tin để xem cử tri và nhân dân có tình với giải trình và cung cấp thông tin đó không; việc giải trình đó có giải quyết được vấn đề người dân quan tâm hay không…tránh việc cử tri hỏi đi hỏi lại và các cơ quan tiếp tục giải trình, cung cấp thông tin”, đại biểu đoàn Đồng Nai nêu ý kiến.

Hiện còn 629 kiến nghị đang được tiếp thu, trong đó 215 kiến nghị được xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 359 kiến nghị xác định lộ trình giải quyết và đặc biệt có 55 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết. Đây là những kiến nghị không phải mới có từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mà đã tồn tại từ nhiều kỳ họp trước.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng cần quan tâm đến chất lượng câu trả lời các kiến nghị của cử tri khi rất nhiều trong số đó là dẫn “theo quy trình”, “theo quy định của pháp luật”, khiến việc áp dụng để xử lý sự việc cụ thể không dễ dàng.

“Cần phải có tiêu chí đánh giá trả lời kiến nghị của cử tri, địa phương làm sao phải hiệu quả. Trả lời phải để xử lý, giải quyết được công việc, chứ không phải trả lời để biết…”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về trả lời kiến nghị của cử tri vừa công khai, minh bạch vừa tránh việc trùng lặp, đồng thời giúp cử tri và người dân nắm được các kiến nghị được xử lý đến đâu, thể hiện hiệu quả giám sát của quốc hội.

Trả lời kiến nghị cử tri cần cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông cho biết, các văn bản trả lời của các cơ quan của quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành trung ương đều được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, để đảm bảo đông đảo người dân theo dõi và giám sát.

Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, đây là tư liệu để các ĐBQH báo cáo và trả lời giải thích cho cử tri trong các đợt tiếp xúc cử tri, do đó khi ban hành văn bản các cơ quan cần rà soát những thông tin cung cấp nội dung trả lời chính xác, nhất là về không gian, thời gian, về các số liệu.

“Có bộ trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông sau kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV về một nội dung cụ thể nhưng lại dẫn chiếu nhầm lẫn số liệu, ngày tháng ban hành quyết định của một tỉnh khác chứ không phải Đắk Nông”, đại biểu Dương Khắc Mai dẫn chứng.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị đối với một vấn đề cụ thể, các bộ ngành cần phối hợp trả lời, tránh trả lời một phần, không toàn diện bao quát hết vấn đề khiến cử tri nhận được câu trả lời nhưng thể thực hiện.

“Ví như kiến nghị về vấn đề điện gió của cử tri tỉnh Đắk Nông, Bộ Công thương trả lời một phần. Phần vướng mắc liên quan đền bù, hỗ trợ lại đề nghị xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông sau khi nhận được trả lời của Bộ Công thương lại tiếp tục gửi kiến nghị đến Bộ TNMT, Bộ Tư pháp khiến không thể đảm bảo trả lời kịp thời cho cử tri trong kỳ tiếp xúc cử tri liền kề”, đại biểu Dương Khắc Mai cho hay.

Đại biểu Lý Văn Huấn, đoàn Thái Nguyên cũng bày tỏ, một số kiến nghị tuy đã được tiếp thu, giải quyết, nhưng còn chuyển biến chậm, chưa được giải quyết kịp thời do việc phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.

“Báo cáo cần làm rõ lĩnh vực nào có chuyển biến tích cực, cơ quan nào đã có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có tác động như thế nào. Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát nội dung trả lời các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực”, đại biểu đoàn Thái Nguyên nêu rõ.

Đại biểu cũng chỉ ra, đối với những kiến nghị cụ thể, việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng. Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng, trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, một số cơ quan, bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa kịp thời xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Điều này làm cho quá trình rà soát, đôn đốc của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện mất nhiều thời gian, công sức./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất