TP.HCM lên 7 phương án ứng phó với 7 cấp độ dịch Covid-19 dịp Tết

Kim Dung/VOV-TPHCM | 19/01/2023, 19:39

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc về việc sẵn sàng lực lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

 Sở Y tế TP.HCM nhận định, dịch Covid-19 hiện cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trên thế giới, tình hình Covid-19 vẫn đang phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới. Đáng lưu ý, sự giao lưu, đi lại và thương mại qua biên giới dịp Tết sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập các biến thể phụ vào nước ta.

Do đó, để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản phù hợp cho từng cấp độ dịch bệnh và không để bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM huy động nguồn nhân lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13. Bệnh viện này vừa được kích hoạt, diễn tập vào ngày 17/1 với quy mô 100 giường hồi sức tích cực tại địa chỉ 9A-B, Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Trước mắt, nhân sự làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 13 được điều động từ 9 bệnh viện gồm: Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngọc Thạch, Đa khoa khu vực Thủ Đức, An Bình.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM còn đề nghị 51 cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị nhân sự, ưu tiên người có kinh nghiệm hoặc được đào tạo chuyên môn về hồi sức cấp cứu. Trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu kích hoạt, sẵn sàng hỗ trợ công tác khám, chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 13.

Sở Y tế TP.HCM đưa ra 7 tình huống ứng phó 7 cấp độ dịch sẽ được triển khai phòng, chống Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán. Tình huống 1 với 100 giường hồi sức cần 162 người, trong đó có 54 bác sĩ và 108 điều dưỡng. Tình huống 2 từ 300 - 600 giường (có 100 giường hồi sức) cần 240 người, trong đó có 80 bác sĩ và 160 điều dưỡng. Tình huống 3 khoảng 600 - 900 giường (trong đó có 150 giường hồi sức) cần 348 người, trong đó có 116 bác sĩ và 232 điều dưỡng.

Tình huống 4 từ 900 - 1.200 giường (có 200 giường hồi sức), cần 474 người, trong đó có 158 bác sĩ và 316 điều dưỡng. Tình huống 5 từ 1.200 - 1.500 giường (có 250 giường hồi sức) cần 588 người, trong đó có 196 bác sĩ và 392 điều dưỡng. Tình huống 6 có 1.500 - 1.800 giường (có 300 giường hồi sức) cần 708 người, trong đó 236 bác sĩ và 472 điều dưỡng. Tình huống 7 với trên 1.800 giường (có 450 giường hồi sức) cần 954 người, trong đó 318 bác sĩ và 636 điều dưỡng./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất