Tìm việc cho công nhân mất việc

Kim Dung - Ngọc Thảo/VOV-TP.HCM | 04/12/2022, 08:41

Mất việc vào thời điểm cuối năm khiến nhiều công nhân tại TP.HCM chới với, khó khăn. Nhưng bên cạnh các doanh nghiệp không có đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc thì cũng còn các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Để sớm ổn định cuộc sống cho công nhân mất việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn đang có nhiều giải pháp kết nối, giới thiệu việc làm, trở thành cầu nối cho công nhân có việc làm mới và doanh nghiệp cần người có thêm nguồn lao động.

Có việc ngay sau khi bị cắt giảm

Chị Nguyễn Diệu Hằng, quê ở Hậu Giang vừa thành công vòng phỏng vấn để vào làm việc tại Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương ở Quận 12, TP.HCM. Đó là nhờ “mai mối” của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM ngay khi Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) nơi chị làm chuẩn bị cắt giảm lao động. Thế là, chị có thể bắt đầu công việc ngay sau khi nghỉ việc chỗ cũ và sắp xếp xong công việc gia đình.

Cùng làm ở Công ty TNHH Samho nên vợ chồng anh Nguyễn Quốc Huy có nguy cơ cùng mất việc. Rất may, chính sách công ty là không cùng lúc cắt giảm cả hai người nên chỉ anh Huy nằm trong danh sách hơn 1.400 công nhân ngừng hợp đồng lao động, còn vợ anh vẫn đi làm bình thường. Anh Huy lo lắng nhưng cũng vừa được giới thiệu một công việc mới và đang chờ: "Tôi làm được 6 tháng thì công ty báo là hết đơn hàng nên phải cắt hợp đồng. Lúc đầu tôi thấy nản tại vì gần tết nên khó kiếm được việc làm".

Ở Quận Tân Bình, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cũng vừa giới thiệu cho nhiều công nhân đến tuyển dụng tại Công ty TNHH May thêu giày An Phước. Hiện An Phước đang có nhu cầu tuyển mới hơn 500 công nhân cho các nhà máy ở nhiều địa bàn khác nhau như Quận 5, Bình Chánh, khu công nghiệp Tân Bình, Hóc Môn.

Bà Trần Thị Ngọc Hiền, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May thêu giày An Phước – nhà máy Tân Bình 2 cho biết, hơn tháng qua, bộ phận nhân sự của công ty phối Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, Phòng lao động thương binh xã hội các quận huyện, tổ chức công đoàn để kết nối lao động bị mất việc. Hiện mỗi ngày công ty tuyển dụng được trung bình 5 công nhân, với thu nhập khoảng từ 6,5- 11 triệu đồng/tháng.

Bà Hiền cho biết: “Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, công ty chúng tôi có cơ hội tiếp cận với các công nhân ở doanh nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Với môi trường làm việc ổn định, an toàn, sạch sẽ, không gian thoải mái và đầy đủ các chế độ theo luật định, công ty chúng tôi luôn chào đón các lao động, không phân biệt”.

Nỗ lực kết nối việc làm

Trong hai tháng 10 và 11, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 95 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 13.000 vị trí việc làm mới. So sánh với danh sách các doanh nghiệp gửi phương án về việc tiết giảm lao động thì nhu cầu tuyển dụng vẫn cao hơn số lao động đã và có nguy cơ bị cắt giảm.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, để giúp lao động mất việc tìm được chỗ làm mới, ngay khi nhận danh sách doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm lao động từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP.HCM, Trung tâm phối hợp với địa phương làm việc trực tiếp với chủ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở để hỗ trợ và kết nối. Thông qua Trung tâm, doanh nghiệp khó khăn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác đến tận nhà máy gặp gỡ, phỏng vấn tuyển lao động. Đồng thời, không để người lao động phải trực tiếp đi giải quyết các chế độ, hồ sơ hưởng thất nghiệp mà cán bộ trung tâm đến tận nơi tư vấn, hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, đa số các công nhân đã ở cố định lâu năm gần doanh nghiệp nên khi bị cắt giảm, việc thay đổi chỗ ở kéo theo con cái phải đổi nơi học, xáo trộn công việc của thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, để công tác kết nối việc làm thành công hơn, Trung tâm phân loại nhu cầu, độ tuổi, trình độ, mong muốn của người lao động: "Về phía trung tâm có kiến nghị với các đơn vị cũng nên bố trí nơi ăn chốn ở tốt cho người lao động, nếu người lao động đi về thì có hỗ trợ tiền xe, hoặc là các doanh nghiệp cam kết bố trí xe đưa đón ở các vị trí xa hơn. Trong quá trình kết nối thì chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp có sự tương đồng và gần nhất để người lao động lựa chọn".

Trên địa bàn thành phố Thủ Đức có 105 doanh nghiệp thiếu đơn hàng, kéo theo khoảng 2.486 lao động bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức, nhóm doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn đến ngưng hợp đồng lao động với công nhân chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng Liên đoàn cũng đã chuẩn bị các phương án để hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động: "Liên đoàn Lao động tạo một group của các công đoàn cơ sở là  ngành giày da may mặc để thông tin tuyển dụng đối với các doanh nghiệp có cắt giảm lao động. Làm cầu nối cho việc tuyển dụng lao động trong thời gian sắp tới. Trong tuần sau sẽ triển khai để làm sao ổn định được lao động dịp cận tết".

Công nhân bị mất việc làm khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến đến Tết Nguyên đán không chỉ là nỗi lo của chính người lao động, mà còn là trăn trở của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Tuy nhiên, với nhiều nhu cầu tuyển dụng như hiện nay, việc làm không thiếu cho công nhân, vấn đề là điều tiết lao động cho kịp thời và hợp lý. Công nhân có nhu cầu nên chủ động liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm, phòng lao động thương binh xã hội, tổ chức công đoàn và cả chính quyền địa phương, sẽ được giới thiệu, kết nối, hỗ trợ về việc làm./.

Bài liên quan
Vụ Vạn Thịnh Phát: Không làm theo chỉ đạo, cựu GĐ chi nhánh SCB bị cho nghỉ việc
Được cấp trên giao nhiệm vụ lập hồ sơ cho vay, Lê Anh Phương (cựu Giám đốc chi nhánh SCB Sài Gòn) không đồng ý đối với các khoản vay, ngay sau đó bị cho nghỉ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất