Thượng đỉnh G20: Phép thử vai trò của các nước lớn trước thách thức toàn cầu

Phạm Hà - Võ Giang/VOV-Jakarta | 14/11/2022, 16:14

Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này được đánh giá là một phép thử vai trò của các nước lớn trong việc cùng nhau giải quyết các thách thức trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh địa chính trị gia tăng.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Bali (Indonesia) trong hai ngày 15 và 16/11. Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt thách thức từ khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng đến cạnh tranh Trung - Mỹ và cuộc xung đột ở Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine là vấn đề không thể tránh khỏi

Thúc đẩy các trọng tâm kinh tế hậu đại dịch, bao gồm ưu tiên trong lĩnh vực y tế, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng nhưng nước Chủ tịch G20 Indonesia thừa nhận khó tránh khỏi vấn đề xung đột Nga - Ukraine sẽ được đề cập tại Hội nghị. Một trong những lý do khiến cuộc xung đột Ukraine phủ bóng hội nghị là do sự tác động lớn đến an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.

Phát biểu trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh vấn đề quan trọng này cần được thảo luận trong chương trình nghị sự: “Tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất mà thế giới đang đối mặt hiện nay đó là nền kinh tế đang bị tác động bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, lương thực. Do đó điều quan trọng là G20 cần phải hợp tác cùng nhau để giải quyết các mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Khi đề cập Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, truyền thông khu vực lo ngại lặp lại kịch bản Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 vào tháng 7 vừa qua với những chỉ trích đối đầu mạnh mẽ giữa Nga và phương Tây và Hội nghị không ra được Tuyên bố chung.

Hội nghị Bộ tưởng Tài chính G20 sau đó cũng phủ bóng bởi chia rẽ trong cuộc xung đột Ukraine khiến Indonesia ra Tuyên bố Chủ tịch. Nhiều quan chức Indonesia thừa nhận, Chủ tịch G20 năm nay là vị trí thách thức nhất từ trước đến nay do những vấn đề địa chính trị, kinh tế và các vấn đề khác. Một số nước có quan điểm cứng rắn và trong một số trường hợp, các nhóm làm việc phải mất nhiều ngày chỉ để nhất trí việc sử dụng một từ duy nhất trong văn bản.

Đã có nhiều tiếng nói cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ khó đạt được thỏa thuận là một thông cáo cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh vì các nước vẫn đang tranh cãi về nhiều điểm. Thay vào đó có thể là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo sau cuộc họp.

Không thiếu các cam kết hợp tác

Việc thảo luận về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine là điều khó tránh khỏi nhưng việc giảm căng thẳng tại hội nghị là điều có thể tránh được. Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không tham dự trực tiếp Hội nghị Thượng đỉnh lần này mà thay vào đó là đại diện Ngoại trưởng Nga tham dự. Nga cũng dự kiến công bố nhiều sáng kiến về việc hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ và việc xuất khẩu ngũ cốc tại Hội nghị G20. Có khả năng một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen (dự kiến hết hạn ngày 19/11) tới sẽ được gia hạn tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. 

Các nhà lãnh đạo G20 cũng sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề kinh tế cấp bách như lạm phát và mức nợ gia tăng; gián đoạn chuỗi cung ứng; cách thức thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, công bằng và bền vững; trao quyền cho phụ nữ; khí hậu; y tế và chuyển đổi kỹ thuật số.

Nhật Bản dự kiến thảo luận kế hoạch giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, trong khi Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch thúc đẩy Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, một nỗ lực hợp tác của G7 nhằm huy động 600 tỷ USD tài trợ cho 5 năm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, một trong những thành công của G20 năm nay đó là lễ ra mắt Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện đã nhận được đóng góp 1,4 tỷ USD từ các nước như Trung Quốc, Mỹ hay Liên minh châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh.

Các Hội nghị Thượng đỉnh G20 trước đây cũng chứng kiến những khó khăn trong việc đàm phán để xây dựng Thông cáo chung tại các hội nghị. Trong bối cảnh địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi kêu gọi G20 thể hiện vai trò hàng đầu trong việc giải quyết các thách thức của thế giới:

“G20 không thể thất bại. Chúng ta không thể để sự phục hồi toàn cầu bị ảnh hưởng bởi những bất đồng địa chính trị. Chúng ta phải hành động để khẩn cấp giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực”.

Tuy nhiên, không chỉ Indonesia mà các nước thành viên cũng tính đến các khả năng không đạt được đồng thuận cao để ra được Tuyên bố chung. Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng có Thông cáo đưa ra sau hội nghị hay không, Ngoại trưởng Indonesia cho rằng điều quan tâm hơn cả đối với bà là nội dung trong văn kiện cuối cùng.  Cho dù văn kiện đó có tên là gì cũng sẽ chứa đựng các cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo G20.

Cuộc gặp Mỹ - Trung có hạ nhiệt tình hình?

Dư luận quốc tế cũng đang quan tâm đặc biệt đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Bien và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái. Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, công nghệ, nhân quyền và Đài Loan trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về ảnh hưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, một cuộc đối thoại trực tiếp có thể tạo cơ hội cho hai nhà lãnh đạo xây dựng mối quan hệ cá nhân bền chặt hơn và thiết lập lại quan hệ đang ngày càng trở nên gay gắt. Tổng thống Biden cho biết muốn thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “ranh giới đỏ” của mỗi nước, hiểu “lợi ích quan trọng” của nhau cũng như “xác định xem có xung đột hay không, và tìm hướng giải quyết”

Mặc dù tuyên bố không đưa ra bất kỳ “nhượng bộ cơ bản nào” nhưng việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang gay gắt, việc lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng ngồi xuống đối thoại đã là một tín hiệu tích cực giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Rõ ràng thách thức là rất lớn nhưng giới chuyên gia nhận định, không có diễn đàn lãnh đạo nào khác ngoài G20 - những quốc gia chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới có cơ hội tốt hơn để hoàn thành vai trò lãnh đạo toàn cầu mà thế giới cần vào thời điểm quan trọng này./.

Bài liên quan
Xung đột ở Ukraine thay đổi thế nào sau hai năm?
Xung đột Ukraine bước sang năm thứ ba với nhiều thay đổi ở cả chiến trường lẫn chính trường, Kiev mất dần sự ủng hộ của phương Tây còn Moskva đạt được 1 số mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất