Thủ tướng yêu cầu giảm chênh lệch với thế giới, giá vàng trong nước sẽ thế nào?

Châu Anh | 27/05/2025, 07:04

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhiều người băn khoăn về diễn biến của kim loại quý trong thời gian tới.

Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống khoảng 1-2%, không để trên 10% như vừa qua.

Dự báo về diễn biến của giá vàng sau chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi), nói: "Nếu Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay các biện pháp phù hợp điều tiết lại cán cân cung cầu thì hoàn toàn có thể kỳ vọng giá vàng SJC sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tuần tới.

Với độ vênh hiện tại khá lớn, dự báo mức giảm tiếp theo của giá vàng trong nước có thể dao động từ 4-8 triệu đồng/lượng trong vòng 2-4 tuần, tùy thuộc vào tốc độ triển khai chính sách".

Cũng theo ông Huy, giá vàng thế giới hiện ở mức trên dưới 3.350 USD/ounce, quy đổi tương đương khoảng 103 triệu đồng/lượng. Vì vậy mức giá “cân bằng” cho vàng SJC trong điều kiện lý tưởng (sau khi tính chi phí sản xuất, thuế, thương hiệu) nên dao động quanh mốc 103 triệu đồng/lượng.

Điều đó đồng nghĩa nếu tiệm cận với giá vàng thế giới thì giá vàng trong nước có thể giảm khoảng 15 - 17 triệu đồng/lượng.

Thủ tướng yêu cầu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. (Ảnh: Công Hiếu).
Thủ tướng yêu cầu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. (Ảnh: Công Hiếu).

Tuy nhiên, theo ông Huy, sự suy giảm của giá vàng trong nước sẽ không đột ngột mà diễn ra từ từ. Bởi lẽ giá vàng thế giới dù đã giảm sau khi lập đỉnh lịch sử trên 3.400 USD/ounce nhưng triển vọng dài hạn vẫn tích cực nhờ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất vào quý III hoặc quý IV.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngoài ra lực mua vào vẫn ổn định từ ngân hàng trung ương nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.

"Do đó, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 3.200 - 3.400 USD/ounce trong ngắn hạn và có thể lại vượt mốc 3.400 USD/ounce nếu có "cú huých" từ thị trường tài chính Mỹ hoặc khủng hoảng địa chính trị. Đây là yếu tố khiến sự điều chỉnh của giá vàng trong nước diễn ra từ từ.

Tại Việt Nam, nếu Ngân hàng Nhà nước hành động kịp thời, giá vàng miếng SJC có thể điều chỉnh về vùng 105 - 108 triệu đồng/lượng trong vòng 1 tháng tới và tiến gần hơn đến mặt bằng giá thế giới. Cùng với đó, thị trường vàng sẽ ổn định trở lại, giảm nguy cơ đầu cơ, tích trữ", ông Huy nhận định.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phân tích, nếu điều chỉnh chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới còn 1 - 2%, thì giá vàng trong nước sẽ "bốc hơi" từ 12 - 13 triệu đồng, xuống dưới 110 triệu đồng/lượng.

Vị này cũng dự báo giá vàng trong tuần này sẽ có những biến động khó lường. Nhất là khi lực bán của khách trên thị trường tăng lên, có thể dẫn đến hiện tượng tháo chạy trước khi NHNN can thiệp, trong khi các công ty hạn chế mua vào vì không có đầu ra. Lúc này, thị trường sẽ có hiện tượng giá mua giảm nhanh hơn.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, nếu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống 1-2% thì giá tuyệt đối 3 - 5 triệu đồng/lượng là hợp lý.

Nhưng trên thực tế, thị trường vàng thế giới và trong nước hiện đang tách biệt nhau và không có sự liên thông với nhau nhiều, vì vậy việc giảm chênh lệch sẽ khó thực hiện.

Tình trạng chênh lệch này đã tồn tại nhiều năm nay và có thời điểm vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới đến 18 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân đến từ việc nhu cầu của thị trường cao nhưng nguồn cung lại hạn chế, do nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC.

Năm 2024, khi giá vàng "nhảy múa", Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để bình ổn như đấu thầu vàng hay bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại. Các giải pháp đã có tác dụng với thị trường trong một thời gian, có thời điểm giá vàng đã giảm 3 triệu đồng/lượng.

Nhưng sau đó, giá vàng lại tiếp tục biến động mạnh. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục tăng cao, có thời điểm chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước lại lên 18 triệu đồng/lượng.

Cũng theo ông Hiếu, giá vàng thời gian tới sẽ khó giảm vì trong bối cảnh lạm phát, tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn, chứng khoán thế giới biến động mạnh…việc nắm giữ vàng như tài sản an toàn là nhu cầu của hầu hết các nhà đầu tư.

Do đó, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp để tăng cung cho thị trường, từ đó mới dễ thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nên cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng và cho phép mua bán vàng tài khoản.

"Nếu 2 thị trường vàng có sự liên thông, các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, tăng nguồn cung, thì giá vàng có thể giảm về sát giá thế giới", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, trong thời gian tới giá thế giới vẫn sẽ có xu hướng đi lên, vì vậy, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo. Cụ thể giá vàng thế giới có thể đạt được 3.500 USD trong năm 2025, còn giá vàng trong nước sẽ đạt 123 triệu đồng/lượng trong 3 tháng tới.

Châu Anh
Bài liên quan
Người mua vàng từ đầu năm đến nay lãi thế nào?
Từ đầu năm đến nay, vàng trở thành một trong những kênh đầu tư có mức lợi nhuận khá cao khi giúp người mua lãi lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ báo chí
VOVLIVE - Ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm.
Mới nhất