Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về chính sách tiền tệ

Vũ Khuyên/VOV | 05/08/2024, 19:34

VOVLIVE - Chiều nay (5/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ.

Phát biểu tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh biểu dương Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã thực hiện chính sách tiền tệ thời gian qua đúng tinh thần là: kịp thời, linh hoạt, hiệu quả góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tướng yêu cầu phải phát huy giữ gìn và thúc đẩy trong thời gian tới.

Về bài học kinh nghiệm Thủ tướng chỉ rõ, phải bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong điều hành "thắng không kiêu bại không nản". Chính sách phải đồng bộ, tạo động lực cho nhau như chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư phải phối hợp nhịp nhàng, đưa ra thông điệp, chính sách phải rõ ràng, hợp với thực tiễn, "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện", dựa trên cơ sở thực tiễn Việt Nam đã có và tham khảo thế giới như phải thận trọng, chắc chắn.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, còn nhiều áp lực về lạm phát, vì vậy phải nắm chắc diễn biến tình hình trong nước và thế giới để tìm ra những thời cơ thuận lợi phát huy tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội của đất nước để đưa ra chính sách kịp thời, hiệu quả. Phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không điều hành giật cục. Phải kết hợp chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng yêu cầu, chính sách tài khóa phải tăng thu, tiết kiệm chi, giảm thuế, lệ phí giá trị gia tăng 2%; Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tập trung vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, giảm áp lực cho ngân hàng. Cùng với đó phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình; Đẩy mạnh thị trường chứng khoán và phải nâng cấp thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Phải quyết liệt làm để huy động nguồn lực. Cùng với đó đẩy mạnh hóa đơn điện tử.

Về chính sách thương mại đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh xuất khẩu, mục tiêu cố gắng đạt 750 - 800 tỷ xuất khẩu, suất siêu trên 24 tỷ, năm sau phải cao hơn năm trước; Phải mở rộng thanh toán bằng ngoại tệ, tăng tiêu dùng trong nước, giảm thuế, phí hàng hóa trong nước; Phòng chống buôn lậu, đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các FTA và đẩy mạnh ký kết các FTA trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân; Tiếp tục thu hút FDI. 

Về chính sách tiền tệ phải linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kết hợp với chính sách khác; tiếp tục tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế đêm; Kiểm soát thị trường vàng, thị trường đô la; tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách để người dân hiểu, yên tâm.

Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, và tập trung cho vay vào các động lực tăng trưởng nhất là các dự án hạ tầng; Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; Điều hành room tín dụng công khai minh bạch, tăng cường giám sát kiểm tra.

Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, Ngành ngân hàng phải đi đầu trong chuyển đổi số để giảm chi phí cho người dân doan nghiệp. Phải tập trung nguồn lực, nhân lực vào làm.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thủ tướng nêu rõ, đây là một chính sách nhân văn làm cho người nghèo có nhà vì vậy ta phải tìm cách để cho đối tượng này vay. Có các chính sách phù hợp, hợp lý để người dân tiếp cận được gói tín dụng này.

Thủ tướng tin tưởng rằng ngành ngân hàng đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, phát huy thúc đẩy những gì đã làm được, vượt qua khó khăn thách thức để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những lợi thế và tiềm năng của Đồng Tháp
Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của Đồng Tháp để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Mới nhất