Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các bộ ngành và TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến đi thẳng vào những vấn đề, những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, những gì làm tốt rồi thì đóng góp ý kiến để làm tốt hơn.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ các tháng cuối năm là rất lớn, đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.
Đối với TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, GRDP của TP.HCM tăng 1% thì đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước 0,18%, thu ngân sách đóng góp 27 - 30%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ luôn dành nhiều thời gian để tháo gỡ vướng mắc, có những việc phải có quyết tâm chính trị mới làm được. Đối với vướng mắc về pháp luật, định hướng của Chính phủ là dùng một luật sửa nhiều luật, sắp tới sẽ dùng 1 luật sửa 13 luật, trong đó có Luật Đầu tư công, bởi nhiều dự án đầu tư công dù được đôn đốc, chỉ đạo nhưng thủ tục vẫn còn rườm rà.
Với tính chất quan trọng của hội nghị, Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,65% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Các chỉ số khác có tăng trưởng khá như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch tăng 15,4%; khách quốc tế đến TP.HCM tăng 30,3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20,8% so với cùng kỳ.
TP.HCM cũng tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả. Các dự án được tập trung như tuyến metro số 1, đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50.
Song song đó, UBND TP.HCM trình Bộ KH-ĐT để thực hiện rà soát hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tập trung các giải pháp đột phá: thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường tổng mức đầu tư toàn xã hội; thúc đẩy tiêu dùng công, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường; hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; bảo đảm an sinh xã hội; chuyển đổi số, cải cách hành chính. TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 tăng 7,5%, và năm 2025 tăng 8%.
Về kết quả 1 năm thực hiện kết quả Nghị quyết 98/2023, ông Phan Văn Mãi đánh giá những công việc đã triển khai mang lại hiệu ứng tích cực, nhiều cơ chế đi vào cuộc sống, một số cơ chế đang trong quá trình triển khai. "TP.HCM chủ quan đánh giá những việc triển khai trong năm qua bằng cả nhiệm kỳ", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ tập trung cao vào các nhiệm vụ chưa triển khai gắn với Nghị định 84/2024 của Chính phủ, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược, nâng tầm Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC), phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD), trao đổi tín chỉ carbon, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án...
Trong Nghị quyết 98/2023 có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp cần được Chính phủ hướng dẫn nhưng đến nay nghị định về nội dung này chưa được ban hành. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng đôn đốc Bộ Công thương phối hợp UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành nghị định này.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét các nội dung vướng mắc trong hoạt động mua bán tín chỉ carbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ cacbon ra thị trường nước ngoài.