Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngày 14/4, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về tội "Nhận hối lộ". Cùng bị khởi tố với ông Dũng có 2 cá nhân khác. Cơ quan Công an cũng khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 3 bị can trên.
Ông Tô Anh Dũng sinh năm 1964 tại Nam Định. Ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2019 và có 28 năm làm việc trong ngành Ngoại giao.
Như vậy, liên quan đến vụ việc xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can gồm: Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Lưu Tuấn Dũng - Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Phạm Trung Kiên - Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế, Vũ Anh Tuấn - nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Hoàng Diệu Mơ - Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.
Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Hơn 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam về nước
Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an mới có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay "giải cứu" công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào?
Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông Vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào?
Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo; "Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay "giải cứu" và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này cũng được yêu cầu làm rõ.
Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông Vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu".
Thực hiện yêu cầu trên, Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai cấp phép bay, kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay theo kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan. Bộ GTVT không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “combo”.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chuyến bay này, có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao so với bình thường. Công dân về nước phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay "giải cứu".
Sớm kết luận điều tra, xử lý nghiêm hành vi đưa và nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự
Ngày 15/2/2022, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 1-2022 của Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho hay, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Ngày 10/3/2022, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ở Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án được dư luận quan tâm, trong đó có có vụ án "nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Ngày 14/3/2022, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, cơ quan này công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sớm kết luận điều tra, đề nghị truy tố, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Về phía Bộ Ngoại giao, ngày 17/2/2022, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và cũng đã quyết định đình chỉ công tác đối với các cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị trong nước cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình xử lý công việc bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; loại bỏ mọi hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân.../.