![thông tư 29 về dạy thêm Địa phương hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường hình ảnh 1 thong tu 29 ve day them Dia phuong ho tro kinh phi phu hop cho cac truong hinh anh 1](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/11/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2025-02-_thuong1.jpg)
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về việc dạy thêm học thêm đang nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh cả nước. Bên cạnh những đánh giá tích cực, những ngày qua cũng có không ít ý kiến của các trường học, giáo viên thể hiện sự lúng túng trong quá trình thực hiện quy định mới này.
Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, quá trình thực hiện Thông tư, việc “hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.
Về phía Bộ GD-ĐT sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD-ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
![thông tư 29 về dạy thêm Địa phương hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường hình ảnh 1 thong tu 29 ve day them Dia phuong ho tro kinh phi phu hop cho cac truong hinh anh 1](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/11/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2025-02-_thuong1.jpg)
Về phía UBND các tỉnh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh.
Đặc biệt, các địa phương cũng có nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
"Về phía các Sở GD-ĐT, chúng tôi được biết hiện nhiều Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đề nghị các Sở GD-ĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương.
Đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra, việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.
Những ngày qua, cũng có những ý kiến cho rằng, không dạy thêm giảm thu nhập của giáo viên. Chúng ta đều biết rằng, có rất nhiều giáo viên như giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa, giáo viên nhiều bộ môn… họ không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề.
Tôi muốn chia sẻ thêm, thời gian qua khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới lần này còn là hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận. Nhưng những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Đối với phụ huynh học sinh khi vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Do đó, sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.
Thông tư 29 quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
Tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...