Tết sớm trên vùng cao Sơn La

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc | 01/01/2023, 09:23

Khi những tia nắng xuân xua tan lớp sương mù dày đặc, hong khô con đường ướp lạnh sương đêm và đánh thức nụ đào rừng e ấp… cũng là lúc bà con dân tộc Mông vùng cao Sơn La tưng bừng đón “Tết sớm”.

Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xuân năm nay như rộn ràng hơn với mỗi gia đình, mỗi vùng quê trên rẻo cao Tây Bắc.

Cũng như bao gia đình người Mông ở xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La), vợ chồng anh Hạng A Anh đã chuẩn bị một con lợn to, chọn những mẻ gạo nếp nương thơm nhất, dẻo nhất mời người thân, bạn bè đến mổ lợn, giã bánh dày để ăn mừng đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là cái Tết đặc biệt với gia đình Hạng A Anh - mùa xuân đầu tiên được quây quần trong căn nhà mới khang trang, không còn lo mưa, nắng…

“Năm nay tôi được xã, huyện hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, rất là vui mừng. Gia đình đã mổ một con lợn 120kg và giã bánh dày để ăn Tết. Sang năm mới mong rằng đời sống sẽ được ổn định hơn, lao động sản xuất được nhiều hơn”, Hạng A Anh nói.

Là xã vùng cao với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những ngày này, không khí vui xuân, đón Tết đang rộn ràng khắp các bản ở Làng Chếu. Dù cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi gia đình trên rẻo cao đều được đón Tết đủ đầy, an vui.

“Xã đã rà soát trên địa bàn những hộ gia đình nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, người nghèo không nơi nương tựa, để đề xuất cấp trên hỗ trợ trong dịp Tết và huy động cán bộ công chức của xã ủng hộ những phần quà để hỗ trợ gia đình nghèo, để gia đình nào cũng có Tết, vui xuân”, ông Phàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết.

“Tết sớm” từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và mảnh đất vùng cao Bắc Yên, Sơn La nói chung. Tết của đồng bào Mông thường diễn ra vào đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng.

Nếu như những năm gần đây, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến “Tết sớm” của bà con dân tộc Mông ở Bắc Yên có phần trầm lắng thì năm nay, những phiên chợ, hội chợ vùng cao, ngày hội văn hóa đã được tổ chức trở lại. Những chàng trai, cô gái xúng xính trong bộ váy, áo đẹp nhất, hòa mình vào tiếng khèn, tiếng đàn môi rộn ràng. Bà con các xã, bản cũng háo hức mang đến phiên chợ những sản vật đặc trưng – thành quả sau một năm lao động sản xuất.

“Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, huyện không tổ chức hội chợ, năm nay tổ chức lại, chúng tôi được đến giới thiệu, bán hàng, được giao lưu với mọi người; bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi”, chị Hạng Thị Mo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ.

Đến với vùng cao và đón Tết cùng đồng bào Mông cũng là một trải nghiệm thú vị, là cơ hội để du khách gần xa chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, những phong tục, nghi lễ cùng nét văn hóa độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

“Em khá ấn tượng với các bộ đồ trang phục dân tộc của người Mông. Ngoài ra đến đây em cũng được biết các món ăn mới, em ấn tượng với món cơm lam, lợn gác bếp... Con người vùng cao thân thiện, vui vẻ và nói chuyện với họ em thấy rất gần gũi. Nếu có dịp thì em vẫn muốn quay lại đây để tìm hiểu, khám phá thêm về nét văn hóa của người dân nơi đây”, Lê Như Quỳnh, du khách đến từ Hà Nội nói.

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, với trên 45% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, huyện đã triển khai các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án giảm nghèo, giúp đồng bào Mông ổn định cuộc sống; đồng thời, quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông gắn với định hướng phát triển du lịch.

“Đồng bào Mông tập trung đông ở các xã vùng cao, cũng là địa bàn huyện đang hướng tới phát triển du lịch, với nhiều nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, văn hóa; trong đó, Tết cổ truyền là nét riêng có của dân tộc Mông. Huyện động viên bà con phát huy nét văn hóa đặc trưng; đồng thời, chỉ đạo các ngành tổ chức các hoạt động văn hóa, ngày hội vào dịp này; từng bước phát triển, xây dựng thương hiệu văn hóa gắn với du lịch của huyện Bắc Yên; hướng tới trở thành khu du lịch vệ tinh của Mộc Châu, gắn với định hướng phát triển Bắc Yên thành khu du lịch của tỉnh Sơn La”, bà Phượng cho hay.

Mỗi mùa xuân mới về trên rẻo cao đều mang theo niềm tin và hy vọng; với đồng bào Mông, đó là ước mơ về cuộc sống bình an, những vụ mùa no ấm, thóc gạo đầy nhà… Và hơn cả, là được góp sức mình dựng xây miền quê đáng sống, điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất