Tết đến Cồn Sơn xem “cá trê gà” biểu diễn

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL | 19/01/2023, 08:13

Không chỉ đón bao người con xứ miệt vườn về quê ăn Tết, những năm gần đây Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy, Cần Thơ) còn được nhiều du khách thập phương chọn du xuân. Đặc biệt, nét văn hóa bữa cơm “rà” – thực đơn “bay” đã tạo sự khác biệt, dần tạo thành thương hiệu của Cồn Sơn để khách trải nghiệm khi đến nơi này.

Đến Cồn Sơn vào những ngày Tết, các nhà vườn đã trang trí thêm câu liễng đỏ để chào đón khách đến vui Xuân. Bắt gặp chị Lê Thị Bé Bảy trên tay bưng chén mắm kho, chị đon đả cho biết “qua nhà bà Bảy ăn cơm rà”. Không chỉ chị Bé Bảy, mà anh Thành Tâm, chị Năm Minh, vợ chồng Năm Phước cũng mỗi người mỗi món đến nhà chị Bảy Muôn cùng nhau làm nên bữa cơm “rà” đậm chất miệt vườn sông nước.

Cơm “rà” - nghe có vẻ lạ với những người mới đặt chân lên Cồn Sơn, nhưng với người dân nơi đây thì quá quen thuộc. Trong ký ức của bà Bàng Thị Xíu (77 tuổi), bữa cơm “rà” không phải tới bây giờ mới có, mà những ngày đầu khai khẩn vùng đất này thì ông bà đã làm chuyện này rồi. Hồi trước là người nào đói thì trên đường về đến nhà hàng xóm sẽ tạt vào xin chén cơm, dân gian hay gọi là “ăn chực”, nhưng ở đây là “ăn chực” mang tính đặc trưng của người xứ cồn.

Được biết, từ khi Cồn Sơn bắt đầu làm du lịch, các hộ dân ở đây tăng dần những buổi cơm đặc biệt này. Sau một đợt đón khách, mỗi nhà còn món gì thì gom lại thành bữa cơm chung, mọi người cùng ăn và cùng “rà” lại những điều cần rút kinh nghiệm để cải thiện tốt hơn. Tình thân, sự đoàn kết thể hiện với nhau trên từng bữa cơm để cùng nhau ôn lại trong ngày, hoạt động trong ngày, chấn chỉnh việc làm dịch vụ.

Cách kinh doanh cùng giúp nhau đi lên đã làm nên thương hiệu Cồn Sơn như hôm nay. Ngoài bữa cơm “rà”, Cồn Sơn còn hấp dẫn du khách bởi những chiếc xe đạp chở từng món ăn chạy trên con đường nhỏ miệt vườn. Những món ăn ấy sẽ tập trung tại một nhà vườn, bày lên bàn ăn để tiếp đãi khách. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng với tên gọi thực đơn “bay”.

Theo bà Lê Thị Mỹ Luông, nhà vườn chuyên làm món bánh khọt – bánh xèo đãi khách, thực đơn “bay” chính là món ăn từ nhà này “bay” sang nhà khác, nôm na là mỗi nhà vườn sở hữu một đến hai món độc quyền tạo nên thương hiệu của nhà vườn đó. Mỗi mâm cơm đãi khách, là công sức của mỗi nhà - vừa góp công, vừa góp cái tình. Tết ở nơi này, không khí nhộn nhịp bởi sự thích thú của du khách với nét dân dã trong du lịch địa phương.

Trình diễn "cá ăn trên cạn"

Từ bao đời nay, người dân Cồn Sơn giữ cho mình nét đẹp bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó là quá trình lao động sáng tạo được truyền từ thế hệ cha ông. Ngoài ẩm thực đậm chất Nam bộ, những hoạt động du lịch cũng đầy tính miệt vườn sông nước. Tết năm nay, du khách còn được mãn nhãn với màn “cá trê gà” hay còn gọi là “cá ăn trên cạn” tại nhà vườn của ông Nguyễn Thành Tâm.

Theo chủ nhân đàn cá trê ăn trên cạn – ông Nguyễn Thành Tâm, mô hình ban đầu ông dự kiến làm để phục vụ các khách hàng “nhí”. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, hầu như từ trẻ em đến người lớn đều bày tỏ sự thích thú với cách cho ăn độc đáo này. Vậy là ông đã phát triển đàn cá nhiều hơn, hiện ông có hai đàn cá trê lớn nhỏ có thể lên cạn ăn mồi với số lượng hơn 3.000 con.

"Chỉ cần cái ca, cái nắp nồi như vậy đó là mình huấn luyện được rồi. Một ngày mình tập 10 lần, nhiều khi 20 lần. Tập tính của cá trê là nó ăn ở tầng đáy thì bắt buộc phải tập nó từ nhỏ, rồi từ từ nó mới leo lên", ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ bí quyết tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo.

Nhằm tạo điểm nhấn mới, du lịch Cồn Sơn đã ra mắt 4 sản phẩm mới: Thư viện cá trên sông Hậu, cá trê gà, cốm nổ mặn và súng vua tại các điểm: bè cá Bảy Bon, nhà vườn Thành Tâm, nhà vườn Công Minh và nhà vườn Song Khánh. Đặc biệt, tại đây cũng chính thức có Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, mục tiêu chủ yếu là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm hiện có là các loại đậu, trà mãng cầu, hoa đậu biếc, trà xạ đen, nước cốt bưởi, đông trùng hạ thảo và rượu hương quê. Trong đó có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP.

Năm 2022, du lịch cồn Sơn đón khoảng 80.000 lượt khách, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021, tổng doanh thu từ du lịch 3 tỷ đồng. Trong niềm vui hân hoan ngày xuân mới, ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội Cần Thơ chia sẻ: "Đối với sản phẩm du lịch của Cồn Sơn thì đây là cách làm mới sản phẩm, cho du khách có nhiều không gian để trải nghiệm hơn. Làm mới dựa trên mô hình du lịch cộng đồng thì các điểm đến cũng có sự gia tăng giá trị trải nghiệm và nó cũng đáp ứng xu hướng du khách sau dịch Covid-19, là mong muốn có những điểm đến thiên nhiên, gần gũi với môi trường".

Sau một năm bận rộn, thật thú vị khi những ngày Tết được đến Cần Thơ, đến Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn trải nghiệm nét văn hóa đậm chất phương Nam, tận hưởng những phút giây thư giãn tuyệt vời, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ, không ồn ào khói bụi và thưởng thức món ăn của người dân xứ cồn chân chất, đậm nghĩa tình./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất