Theo hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies của Mỹ ghi nhận hồi tháng 5, hai tàu chở hàng mang cờ Nga cập cảng Sevastopol (Crimea) và tiếp nhận một lượng lớn ngũ cốc từ Ukraine.
Sau đó, vệ tinh Maxar cập nhật hình ảnh của những con tàu này tại cảng ở Syria. Nhiều xe bán tải đã xếp hàng sẵn để chờ tiếp nhận số ngũ cốc.
Vào tháng 6, công ty thu được một hình ảnh khác cho thấy tàu Nga tiếp tục lấy ngũ cốc từ Sevastopol.
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã cáo buộc Moskva “đánh cắp” ngũ cốc từ các vùng lãnh thổ mà lực lượng Nga kiểm soát được trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hôm 3/6, Đại sứ Ukraine tại Ankara cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các quốc gia mua ngũ cốc mà Kiev cho rằng Nga đã lấy từ Ukraine.
"Ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy ngũ cốc từ Ukraine được chuyển lên các tàu hàng Nga ở cảng Sevastopol, bán đảo Crimea", theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine.
Thông báo trên được đăng kèm ảnh vệ tinh chụp vào các ngày 19 đến 21/5. Hình ảnh cho thấy 2 tàu mang cờ Nga là Matros Pozynich và Matros Koshka xuất hiện ở cảng Sevastopol. Các tàu này đang nhận ngũ cốc từ kho chứa tại cảng thông qua hệ thống chuyển hàng chuyên dụng.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc Nga đánh cắp ngũ cốc Ukraine. Ông cho biết đây là tin giả và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Ngoài ngũ cốc, Kiev cũng tố Moskva "đánh cắp" kim loại. Theo thông tin từ Ukraine, Nga đã điều một con tàu đến thành phố Mariupol để lấy 3.000 tấn kim loại.
"Sau ngũ cốc, bây giờ, họ bắt đầu đưa kim loại khỏi Mariupol", Ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine Liudmyla Denisova nói.
Bà cho biết thêm, kim loại được vận chuyển bằng đường thủy từ Mariupol đến thành phố Rostov-on-Don ở Nga. "Để thuận tiện hơn cho việc di dời chiến lợi phẩm, Nga bắt đầu khôi phục các mạng lưới đường sắt ở Mariupol và Volnovakha".
Cuộc xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do hai quốc gia này chiếm khoảng 29% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới.