Tầm soát ung thư miễn phí cho 2.000 phụ nữ khó khăn, yếu thế

Kim Dung, CTV Thùy Liên/VOV-TPHCM | 19/10/2024, 18:03

Hơn 600 phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn đã được tầm soát ung thư vú và cổ tử cung miễn phí tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đây là hoạt động của chương trình an sinh xã hội “Chạm sẻ chia - Trao hy vọng”, diễn ra ngày 19/10.

Hoạt động tầm soát ung thư cho phụ nữ diễn ra từ ngày 19 đến 26/10, tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong tổng số 2.010 suất tầm soát ung thư của chương trình “Chạm sẻ chia - Trao hy vọng”, có 600 suất phân bổ cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, 400 suất cho Đoàn Thanh niên cộng sản Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM, 1.000 suất cho Hội Chữ Thập đỏ TP. Hà Nội.

Bên cạnh tầm soát ung thư vú và cổ tử cung, người tham gia còn được siêu âm cổ, siêu âm bụng nhằm phát hiện sớm ung thư tuyến giáp và buồng trứng.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho hay: "Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội và Ban tổ chức chương trình “Chạm sẻ chia - Trao hy vọng” mong muốn mang đến cơ hội tầm soát ung thư cho phụ nữ khó khăn, hỗ trợ chi phí tầm soát chuyên sâu cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh; thực hiện vai trò cầu nối, điều phối hiệu quả trong việc vận động giới nữ thường xuyên thăm khám sức khỏe"...

Phụ nữ hưởng lợi từ chương trình là lao động 35-60 tuổi, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi, người tàn tật hoặc là lao động chính trong gia đình, có nghi ngờ mắc bệnh nhưng chưa có điều kiện thăm khám.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư ở nữ giới ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất với hơn 24.500 ca mắc và 10.000 ca tử vong mỗi năm, tiếp đến là ung thư cổ tử cung với hơn 4.600 ca mắc mới và 2.500 ca tử vong mỗi năm.

Tính riêng năm 2023 tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có gần 12.500 ca ung thư vú đến khám và điều trị, một con số rất lớn. Kế đến là ung thư tuyến giáp (gần 12.000 ca), ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư đại tràng...

TS-BS Trần Đặng Ngọc Linh cho biết, ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần và tài chính cho người bệnh cũng như gia đình.

Tuy nhiên, gánh nặng ung thư có thể được giảm nhẹ bằng cách phòng ngừa (ung thư gan, phổi, cổ tử cung, da) tầm soát (ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng), phát hiện sớm (ung thư vú, tuyến giáp). 

“Đây là cơ hội phát hiện sớm vấn đề bệnh cho các chị em phụ nữ. Nếu tình cờ phát hiện bệnh thì có thể xử lý. Ngoài ra đây là cơ hội để đánh giá tình trạng sức khỏe chung, của ổ bụng, vùng cổ. Chương trình sẽ đồng hành cùng chị em phụ nữ, không phải tầm soát một lần rồi thôi. Bởi vì việc tầm soát là việc định kỳ lâu dài. Khi phát hiện những tổn thương thì mình tiếp tục điều trị thì mới có ý nghĩa”, TS-BS Trần Đặng Ngọc Linh nói. 

Bài liên quan
Khám sức khỏe, tầm soát ung thư miễn phí cho 600 nữ công nhân ở Hà Nội
Hưởng ứng “Tháng Công nhân”, “Tháng Hành động vì An toàn vệ sinh lao động”, LĐLĐ Thành phố Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành y tế, sự đồng hành của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm công nhân lao động của 30 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Sẽ có chính sách phù hợp để lao động hợp đồng không chịu thiệt thòi
Chiều nay 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Mới nhất