Số ca tử vong do COVID- 19 ở TP.HCM có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 06/09/2021, 21:19

Chiều 6/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong ngày 5/9, Thành phố có 233 số ca tử vong. Theo đánh giá, số ca tử vong đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu lí giải, đó là do số ca nặng đang điều trị vẫn còn cao với hơn 9.500 ca; trong đó trường hợp đang thở máy xâm lấn dài ngày còn 1.053 trường hợp, 22 trường hợp sử dụng ECMO. Hiện hệ thống điều trị, nhất là trung tâm hồi sức cố gắng cứu những bệnh nhân rất nặng bằng các biện pháp hiện đại nhất của y học hiện nay. Nhưng đây là những bệnh nhân tổn thương phổi rất nặng do COVID-19 nên tỷ lệ tử vong ở các trường hợp này rất cao (từ 30-50%, tuỳ nơi trên thế giới). Tại TP.HCM, tỷ lệ tử vong ở những ca thở máy này đang ở mức 30% và Thành phố đang nỗ lực để cứu chữa bệnh nhân nặng.

“Hy vọng trong 1000 trường hợp bệnh nhân thở máy này chúng ta sẽ cứu được khoảng hơn 50-60% bệnh nhân, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương phổi của người bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân có nhiễm thêm các vi trùng khác hay không nó làm bội nhiễm bệnh nhân nặng lên và tổn thương do các biến chứng khác”, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay.

Về con số xét nghiệm có sự chênh lệch rất lớn giữa các ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, đây là điều bình thường vì phụ thuộc vào các điều kiện như địa bàn xét nghiệm, dân số… Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết thêm, về mặt chuyên môn, việc tiêm mũi 2 trễ hạn vài tuần cũng không ảnh hưởng gì lớn, vẫn có hiệu quả, không cần phải tiêm lại mũi 1 nên người dân không nên quá lo lắng. 

Về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM khẳng định: “Mọi việc tiêm chủng và các vấn đề thuộc về chữa bệnh, khám bệnh, xét nghiệm, cách ly chúng ta đều phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Chưa có chủ trương mở lại chợ truyền thống

Liên quan đến phương án mở chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Thành phố chưa có chủ trương hay chỉ đạo cụ thể nào về việc này. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, việc tạm dừng hoạt động, đóng cửa do điều kiện thực tế, yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Công tác kiểm tra của các địa phương cho thấy hầu hết các chợ, điểm bán không đủ điều kiện hoặc phát hiện ra các F0 thì phải tạm ngưng hoạt động.

Ngoài ra, lý do hầu hết các chợ truyền thống phải ngưng hoạt động là do nguồn hàng hoá chính cung ứng cho các chợ truyền thống là 3 chợ đầu mối của Thành phố đã ngưng hoạt động. Hiện nay các chợ còn đang hoạt động chủ yếu là ở vùng ven, ngoại thành và số lượng rất ít.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, vào tối mai (7/9), Thành phố sẽ mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, chứ không phải mở lại hoạt động của chợ đầu mối. Điểm này là nơi để các xe tải lớn chở hàng từ các địa phương đến, dỡ hàng qua các xe tải nhỏ và đưa vào các điểm trong Thành phố.

“Điểm trung chuyển chức năng là giúp nguồn hàng các địa phương đến Thành phố và đến được các nơi cần thiết như các bếp ăn tập thể, các cửa hàng thực phẩm và một số chợ lẻ. Điểm này không có giao dịch, không có buôn bán”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.

Tối nay vào lúc 20h, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ đối thoại trực tiếp với người dân  xung quanh “Những định hướng lớn của TP.HCM sau ngày 15/9" trong chương trình livestream “Dân hỏi-Thành phố trả lời”. Các vấn đề lớn dự kiến được trao đổi là khi nào Thành phố sẽ nới lỏng giãn cách xã hội và lộ trình nới lỏng ra sao, các biện pháp nào để kiểm soát các ca nhiễm và giảm tử vong vì COVID-19./.

Bài liên quan
Ngày 19/5, cả nước thêm 1.716 ca mắc COVID-19, Bắc Giang bổ sung 1.012 ca
Tính từ 16h ngày 18/5 đến 16h ngày 19/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.716 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.715 ca trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất