Sẽ xử lý hình sự hành vi cố tình vi phạm pháp luật trên biển

Thành Long/VOV- Miền Trung | 11/09/2024, 07:31

Cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Đây là một trong những khung pháp lý theo Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân, chủ tàu cá nắm rõ tránh trường hợp vi phạm buộc phải xử lý, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.

Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. 

Nghị quyết này nêu ra những biện pháp cứng rắn trong việc xử lý, răn đe những chủ tàu cá, cá nhân cố tình vi phạm các quy định khi ra khơi, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của  Ủy ban Châu Âu. 

Tại tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tất cả các phương tiện ra vào cảng Sa Kỳ đều phải được Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ kiểm tra chặt chẽ. Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ phát tờ rơi, tuyên truyền về các quy định của Nghị quyết 04 Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đối với các hành vi vi phạm.

Trung úy Phan Hoàng Hải, Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra kiểm soát người và phương tiện, kèm theo là tuyên truyền Nghị quyết 04 về mức xử phạt, hành vi vi phạm để cho ngư dân nắm bắt và thực hiện thưo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.200 tàu cá, trong đó có hơn 3.000 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Ban Quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh tại cảng cá. Nội dung tuyên truyền là những quy định xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan hoạt động khai thác thủy sản, các nhóm hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản theo Nghị quyết 04.

Lực lượng chức năng vừa tuần tra trên biển, vừa phối hợp nhắc nhở ngư dân, thuyền trưởng hoạt động khai thác, đánh bắt cần thực hiện nghiêm khi khai thác, mua bán và vận chuyển thủy sản.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Phú, Phụ trách Ban Quản lý cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Nghị quyết 04 có hiệu lực thì Ban quản lý cảng cũng có nhiều biện pháp tuyên truyền để bà con tránh những hành vi dẫn đến vi phạm như là phát tờ rơi, loa phát thanh. Khi bà con làm thủ tục xuất, nhập bến thì nhân viên Ban quản lý cảng cá cũng nhắc nhở, hướng dẫn để bà con nắm kỹ 11 hành vi vi phạm của Nghị quyết 04”.

Ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024.

Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Trung ương và các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản tập trung phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định.

Nghị quyết này cũng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Minh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Nghị quyết 04 là văn bản pháp lý rất quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền trong nước, các cơ quan tổ chức hữu quan, cá nhân có căn cứ pháp lý cụ thể, ổn định, vững chắc để thi hành đúng quy định mang tính nguyên tắc. Các quy định này sẽ góp phần xử lý thông tin về tội phạm, giải quyết những vụ án có liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, phát triển bền vững các nguồn lợi thủy sản, tiến tới tháo gỡ thẻ vàng.

Thời gian gần đây, các địa phương ven biển như Quảng Ngãi, Bình Định đã mạnh tay xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 900 triệu đồng/1 chủ tàu cá vi phạm.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị quyết 04 cũng đã được một số địa phương áp dụng và nếu các địa phương đều xử phạt mạnh tay thì tình hình vi phạm sẽ chuyển biến tốt hơn.

“Chưa bao giờ chúng ta xử lý hình sự đối với những vấn đề về nghề cá này và thời gian vừa qua có Bà Rịa- Vũng Tàu làm rất quyết liệt, áp dụng rất tốt Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Các tỉnh nếu vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn vấn đề xử lý sẽ được triệt để. Nếu 1 địa phương nào, đơn vị nào không làm quyết liệt thì các địa phương khác có làm quyết liệt cũng bằng không”, ông Quốc nhấn mạnh.

Bài liên quan
Xử phạt hơn 109 tỷ đồng liên quan khai thác thủy sản bất hợp pháp
VOVLIVE - Ngày 15/11, tại Tp Nha Trang, Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và phát triển thủy sản bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật về chống khai thác IUU và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước
Chiều nay (5/1), tại Bình Phước, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác trung ương tới thăm và chủ trì buổi làm việc với công an tỉnh Bình Phước.
Mới nhất