Từ trước Tết Nguyên đán 2025 đến nay, giá sầu riêng giảm mạnh. Thậm chí, có thời điểm giá mua xô tại vườn chỉ ở mức 35.000 đồng/kg.
Trước tình trạng sầu riêng xuất khẩu chậm, tiêu thụ nội địa khó khăn, Báo Điện tử VTC News phỏng vấn ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - địa phương có sản lượng sầu riêng đứng đầu cả nước.

- Thưa ông, Tiền Giang là một tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó khăn, đặc biệt là vào thị trường Trung Quốc. Ông có thể chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Trong nhiều năm qua, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và một số nước khác mang lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân và doanh nghiệp. Tiền Giang hiện có trên 25.000 hecta trồng sầu riêng, hơn 16.000 hecta đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm. Riêng Trung Quốc chiếm trên 80% sản lượng xuất khẩu.
Năm 2022 -2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng rất cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn. Nguyên nhân là phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra chặt chẽ sau khi phát hiện chất vàng ô trong một lô hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Từ đó, họ mở rộng kiểm tra sang các lô hàng từ Việt Nam, đặc biệt là về chất cadimi (Cd) - một loại kim loại nặng nếu vượt ngưỡng sẽ bị cấm.
Hệ quả là xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc giảm đột ngột. Theo thông tin từ Hiệp hội sầu riêng tỉnh, nếu như năm 2022 - 2024, cùng thời điểm này, mỗi ngày Việt Nam xuất đi 200 - 300 container sầu riêng, thì năm nay chỉ còn khoảng 10 - 15 container/ngày, cả xuất khẩu chính ngạch lẫn tiểu ngạch đều bị ảnh hưởng.

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang.
Chính ngạch gặp rào cản kiểm định nghiêm ngặt, nếu phát hiện nhiễm cadimi hoặc vàng ô, lô hàng phải tiêu hủy hoặc trả về. Còn tiểu ngạch thì chi phí quá cao, một container có thể tốn đến 1 tỷ đồng chi phí, trong khi giá trị hàng chưa tới gấp đôi.
Ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy trong chuỗi xuất khẩu sầu riêng hiện nay có năm đối tác chính cùng tham gia: Nhà nước, doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, các nhà khoa học, và người nông dân. Song chúng ta chưa có sự liên kết đồng bộ và hiệu quả giữa các bên.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc chưa thống nhất về kiểm định: dù Việt Nam xác nhận “sạch”, hàng vẫn bị kiểm lại khi qua cửa khẩu, gây rủi ro lớn. Chúng tôi mong hai nước sớm công nhận lẫn nhau kết quả kiểm định để giảm chi phí, thời gian và thiệt hại cho doanh nghiệp.
- Con số 200 - 300 xe này là riêng của Tiền Giang hay của cả nước? Sở Công Thương có thống kê được sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2024, bao nhiêu bị trả về không, thưa ông?
Con số này là tổng lượng hàng xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ trên cả nước. Tuy nhiên, thời điểm này là vụ chính của Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi khu vực Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông thì chưa bước vào chính vụ.
Về số lượng hàng bị trả về, hiện các doanh nghiệp không có trách nhiệm bắt buộc phải báo cáo cụ thể cho Sở Công Thương, nên chúng tôi chưa nắm được con số chính xác. Tuy nhiên, về sản lượng xuất khẩu, theo số liệu sơ bộ, trong mùa vụ năm nay, lượng sầu riêng xuất khẩu đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
- Về vấn đề cadimi, tôi thấy hiện nay người nông dân vẫn chưa thực sự hiểu cadimi đến từ đâu. Họ biết có thể từ phân bón hoặc đất, nhưng chưa nắm rõ. Vậy sau những lần lô hàng bị nhiễm cadimi, Sở đã có giải pháp gì hỗ trợ nông dân để sản xuất an toàn hơn chưa?
Theo thông tin chúng tôi nắm được, đúng là hiện nay đa phần nông dân chưa hiểu rõ cadimi xuất hiện từ đâu, chỉ biết chung chung là do đất hoặc phân bón. Nhưng việc xác định chính xác rất khó, nhất là trong điều kiện sản xuất còn manh mún và thiếu kiểm soát.

Sầu riêng tại Tiền Giang rớt giá khoảng 60% so với năm ngoái.
Trong quý IV năm 2024, Bộ Nông nghiệp đã cử đoàn công tác về làm việc trực tiếp với tỉnh Tiền Giang, tập trung vào vấn đề cadimi. Sau buổi làm việc, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đảm bảo sản xuất sầu riêng bền vững từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, đặc biệt là ngành nông nghiệp phải kiểm tra, điều tra mẫu đất, mẫu nước để xác định rõ nguồn gốc cadimi.
Theo thông tin từ các hợp tác xã và doanh nghiệp, một nguyên nhân chính khiến sầu riêng bị nhiễm cadimi là do canh tác trái vụ. Vì sầu riêng có giá trị cao vào mùa nghịch nên nông dân thường cố gắng ép cây ra hoa trái vụ. Điều này dẫn đến việc lạm dụng phân bón lá, phân rễ và thuốc bảo vệ thực vật.
Sử dụng quá mức trong thời gian dài khiến các chất này tích tụ trong đất và nước, dù người nông dân không hề hay biết. Một số vùng còn sử dụng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, càng làm trầm trọng thêm tình hình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dữ liệu chính thức nào xác định rõ cadimi nhiễm ở khâu nào, từ đất, nước hay vật tư nông nghiệp.
Do đó, ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch kiểm tra lại toàn bộ chuỗi sản xuất để tìm ra gốc rễ vấn đề. Song song đó, ngành cũng sẽ có hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý, tuân thủ quy trình canh tác bền vững.
Việc ép sầu riêng ra trái quá mức, liên tục trái vụ, tuy có lợi về kinh tế nhưng lại làm tổn hại đến cây trồng, khiến đất bạc màu và phát sinh các chất độc hại tích tụ lâu dài, như cadimi.
- Ông có thể cho biết quy trình kiểm tra chất lượng, cụ thể là cadimi trong sầu riêng xuất khẩu hiện nay được thực hiện thế nào?
Quy trình hiện nay còn khá phức tạp. Theo phản ánh từ doanh nghiệp, họ phải tự mang mẫu sầu riêng (có thể là trái tươi hoặc đã cấp đông) đến các trung tâm kiểm định, chủ yếu là ở TP.HCM. Thời gian chờ kết quả kiểm định mất khá lâu, nhất là khi số lượng trung tâm kiểm định còn ít. Việc này vừa tốn thời gian vừa phát sinh thêm chi phí, gây áp lực cho doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sớm thành lập trung tâm kiểm định tại tỉnh Tiền Giang và trong tương lai và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, xuất khẩu.

- Vậy trong bối cảnh này, Tiền Giang đã có những động thái cụ thể nào để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp?
Chúng tôi đã nhận thấy rõ vấn đề và đang triển khai nhiều giải pháp. Trước hết, về mặt quản lý nhà nước, UBND đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước là Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) xây dựng kế hoạch sản xuất bền vững đến năm 2030. Trong đó có nội dung kiểm tra, lấy mẫu đất, mẫu nước để xác định rõ nguồn gốc nhiễm cadimi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thúc đẩy việc thành lập Trung tâm kiểm nghiệm ngay tại địa phương để doanh nghiệp không phải đưa mẫu lên TP.HCM, vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí.
- Khi không xuất khẩu được sang Trung Quốc, chúng ta có những giải pháp gì để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa?
Trước tình hình này, Sở Công Thương đã thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung khai thác thị trường nội địa - với quy mô hơn 100 triệu dân - là một hướng đi bền vững.
Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia giới thiệu sầu riêng tươi và sầu riêng chế biến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thúc đẩy mạnh mẽ kênh thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Amazon để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Chúng tôi cũng kiến nghị ngân hàng hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp thu mua sầu riêng, bởi vào mùa thu hoạch, nhu cầu vốn rất lớn, trong khi tài sản thế chấp của doanh nghiệp vừa và nhỏ khá hạn chế. Rất may, hiện tại giá sầu riêng chưa giảm đến mức khiến nông dân bị lỗ. Giá mua xô tại vườn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời.
Chúng tôi kết nối với các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, cũng như thị trường phía Bắc để tiêu thụ sầu riêng. Ngoài ra, Sở cũng làm việc với các chợ đầu mối lớn như Thủ Đức để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang hướng tới đa dạng hóa thị trường.
- Có ý kiến cho rằng, khi không xuất được thì hàng có nguy cơ tồn dư chất không đạt chuẩn sẽ đẩy vào thị trường nội địa. Chất lượng sầu riêng cho thị trường nội địa dường như chưa được chú trọng đúng mức?
Câu hỏi rất khó, nhưng cũng thực tế.
Bởi nếu nói như vậy thì chẳng khác nào chúng ta đang đánh đồng rằng người tiêu dùng trong nước không quan tâm đến sức khỏe, điều này không đúng. Người dân Việt Nam cũng quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không kém ai cả. Chúng ta không thể vì một lô hàng bị từ chối ở thị trường nước ngoài mà đem bán lại trong nước một cách tùy tiện.
Nếu sản phẩm đã bị phát hiện nhiễm chất cấm như cadimi thì rõ ràng không nên để nó lọt vào thị trường nội địa. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hàng hóa lưu thông trong nước phải đạt chuẩn, an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có thống kê hay xác nhận chính thức nào cho thấy các lô sầu riêng đang tiêu thụ nội địa đều bị nhiễm cadimi. Trước đây, khi chúng ta chưa có thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, việc tiêu thụ trong nước diễn ra rất bình thường. Chỉ từ cuối năm 2024, khi Trung Quốc siết chặt kiểm tra cadimi, thì vấn đề này mới được chú ý nhiều hơn.
Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng để kiểm tra, giám sát kỹ hơn. Dù sao thì thị trường nội địa vẫn là kênh tiêu thụ quan trọng, giúp bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa mất giá", giải cứu như trước đây. Nhưng kiểm tra chất lượng là yếu tố bắt buộc để bảo vệ người tiêu dùng.

- Với tình hình hiện tại, ngoài Trung Quốc, tỉnh có định hướng mở rộng thị trường sầu riêng sang đâu không?
Chúng tôi xác định không thể phụ thuộc vào thị trường duy nhất. Ngoài Trung Quốc, hiện đã có doanh nghiệp đưa sản phẩm sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ. Chúng tôi cũng đang nhắm tới Đông Bắc Á, Ấn Độ, vùng Vịnh, và tiếp tục phát triển các sản phẩm chế biến sâu để phù hợp với khẩu vị nhiều nước.
Chúng tôi hiểu rõ: Nếu không đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, ngành sầu riêng sẽ dễ tổn thương khi thị trường lớn gặp biến động.
- Vậy hiện nay thị trường xuất khẩu sầu riêng của Tiền Giang đang phân bổ thế nào? Việc đa dạng hóa thị trường cụ thể ra sao?
Đúng là trước đây Trung Quốc chỉ nhập khẩu sầu riêng tươi. Nhưng sau này họ đã chấp thuận cho nhập khẩu sầu riêng cấp đông - điều này mở ra kênh tiêu thụ mới rất tiềm năng.
Tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi tổng hợp, hiện nay trên 80% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là vào Trung Quốc. Điều này tạo ra sự lệ thuộc lớn và tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, một trong những định hướng chiến lược của tỉnh là phải đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm từ sầu riêng.

Hiện đã có doanh nghiệp đưa được sản phẩm sầu riêng cấp đông, sầu riêng chế biến vào thị trường Mỹ, và chúng tôi đang nhắm đến các thị trường mới như Ấn Độ, Đông Bắc Á, vùng Vịnh, nơi mà khẩu vị có thể chấp nhận được sầu riêng khi được chế biến phù hợp.
Đối với thị trường lớn như Trung Quốc, chúng tôi cũng suy nghĩ đển giải pháp là phối hợp với các đối tác lớn của Trung Quốc để hình thành một trung tâm đầu mối thu mua và xuất khẩu nông thủy sản vào Trung Quốc và có đầy đủ các dịch vụ từ niêm yết giá cả giao dịch hàng ngày, kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, logistics, thủ tục thông quan… Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ tỉnh Tiền Giang và mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể giao dịch với các khách hàng tại đây, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí và minh bạch về giá cả thông tin thị trường.
- Tại sao giá sầu riêng ở nhà vườn chỉ 40 - 50 nghìn đồng/kg, nhưng lên đến TP.HCM lại trên 100.000 đồng/kg?
Chúng tôi hiểu rất rõ bức xúc này. Nguyên nhân là do quá nhiều khâu trung gian: từ người thu mua, đến đại lý nhỏ, rồi đại lý lớn, rồi mới đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán cho các đơn vị phân phối, rồi cuối cùng mới đến tay người tiêu dùng. Mỗi khâu đều cộng thêm chi phí và lợi nhuận.
Muốn giảm chênh lệch, phải cải thiện logistics, cắt bớt khâu trung gian. Điều này cần sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp để ngồi lại, xác định rõ vai trò từng mắt xích và có giải pháp cắt giảm chi phí.
Nếu làm tốt, người tiêu dùng được mua giá rẻ hơn, nông dân bán giá cao hơn, ai cũng được lợi, trừ những người trung gian không đóng góp giá trị thực.
- Vậy ai sẽ là người đứng ra thực hiện việc cắt giảm khâu trung gian và điều phối lại chuỗi cung ứng?
Đây không phải việc của riêng ai. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đơn vị phân phối.
Chúng ta phải ngồi lại, phân tích chuỗi cung ứng hiện tại xem khâu nào đang bị đội chi phí, khâu nào không cần thiết. Từ đó, mới biết cắt ở đâu, rút ở đâu, ai làm việc gì, chứ không thể làm riêng rẽ hay cảm tính.
Ví dụ, nếu chi phí logistics cao thì phải xem phát sinh từ đâu - vận chuyển, lưu kho, chi phí cầu đường, hay các quy định hành chính? Chỉ khi minh bạch được chi phí, xác định đúng "điểm nghẽn", thì mới có giải pháp hiệu quả.
Câu chuyện này giống như ngành lúa gạo, cũng bị bóp méo giá vì quá nhiều khâu trung gian. Do đó, muốn phát triển bền vững, thì phải tổ chức lại toàn bộ chuỗi.
- Các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ hơn để tạo ra một chuỗi cung ứng sầu riêng hiệu quả hơn?
Chắc chắn là cần thiết. Thực tế, nếu làm ăn riêng lẻ, không liên kết thì rất khó để phát triển bền vững. Do đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang vào năm 2024. Dù mới thành lập chưa đầy một năm, nhưng Hiệp hội đã bước đầu thể hiện được vai trò.
Thứ nhất là tạo được sự kết nối giữa các đối tác trong và ngoài nước. Thứ hai là chia sẻ thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ hợp đồng cho nhau trong Hiệp hội nếu không đủ năng lực thực hiện.
Về kỹ thuật sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể, Sở Nông nghiệp cũng thường xuyên phổ biến, hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu đúng quy chuẩn, an toàn và bền vững.

Sầu riêng tại vườn ở Tiền Giang "rớt đáy" với mức giá chỉ còn 32.000 đồng/kg.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn tổ chức nhiều buổi kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp; gặp gỡ với các đơn vị bán lẻ lớn như GO!, Co.opmart, Aeon, và cả các sàn thương mại điện tử như Amazon, TikTok, Shopee… giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các nền tảng này để tiêu thụ nhanh, hiệu quả hơn.
- Doanh nghiệp có gặp khó khăn trong việc vay ngân hàng để mua sầu riêng không?
Đây là vấn đề lớn. Hiện nay, việc tiếp cận tín dụng vẫn rất khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết tài sản đã được thế chấp khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị. Đến mùa thu hoạch, nhu cầu về vốn lưu động rất lớn, một hecta sầu riêng cho khoảng 10 - 15 tấn, nếu giá 100.000 đồng/kg thì chi phí đầu tư không hề nhỏ.
Do đó, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thu mua, chế biến, trữ hàng. Điều này kéo theo hệ lụy là nông dân không bán được sản phẩm, rất khó khăn. Chúng tôi cũng đã làm việc với ngành ngân hàng, kiến nghị họ cần chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp và nông dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.
- Ông có lời khuyên nào cho người trồng sầu riêng để cải thiện sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh hiện nay?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, người nông dân cần phải chủ động trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã là rất quan trọng để tạo ra sự bền vững cho chuỗi cung ứng sầu riêng.
Các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và thông tin thị trường để có thể phát triển sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, người trồng sầu riêng cũng cần chú trọng hơn đến việc bảo vệ môi trường và sản xuất sạch, vì đây là yếu tố quyết định đến khả năng xuất khẩu và chất lượng sản phẩm trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Thy Huệ