Quy hoạch treo, dự án treo ảnh hưởng đến người dân, Bộ trưởng Xây dựng nói gì?

Cẩm Tú/VOV.VN | 07/11/2023, 15:20

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã tăng cường thanh tra tại các địa phương và yêu cầu công khai quy hoạch, hủy bỏ dự án đã quá thời hạn hoặc không có tính khả thi. Đồng thời, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, tháng 9/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 82 về tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy trình quản lý, sử dụng đất đai đô thị.

"Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như định cư của người dân, đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay, Bộ đã có những giải pháp gì nhằm khắc phục tình trạng trên?", đại biểu Thịnh chất vấn.

Trả lời chất vấn về tình trạng quy hoạch treo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có Nghị quyết 82 thì Bộ Xây dựng đã triển khai theo Nghị quyết, qua đó tiến hành bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn Luật Xây dựng. Từ đó, tham mưu sửa đổi Luật Xây dựng và các văn vản hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án có quy hoạch chậm thực hiện.

"Bộ Xây dựng có nhiều thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện quy hoạch, có nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch, kịp thời hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi hoặc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị", Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã tăng cường thanh tra tại các địa phương và yêu cầu công khai quy hoạch, hủy bỏ dự án đã quá thời hạn hoặc không có tính khả thi.

"Chúng tôi đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời.

5 nhóm nhiệm vụ chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết, thực tiễn cho thấy tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng bộ mặt đô thị Việt Nam vẫn có vẻ chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng của người dân.

Những vấn đề tồn tại như: ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe, úng ngập, xử lý rác thải, thu gom, xử lý nước thải, chiếu sáng, diện tích công viên cây xanh, tiếng ồn, bụi mịn... chậm được giải quyết và có xu hướng trầm trọng thêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường thu hút đầu tư kinh doanh.

"Làm thế nào để chỉnh trang xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay và ngăn ngừa phát sinh những tồn tại đó trong tương lai theo chiến lược cũng như công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị ở nước ta", đại biểu Yên chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động theo Nghị quyết 148. Trong chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như ý kiến mong muốn của đại biểu đặt ra.

"Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng nhiệm vụ đề án chuyên ngành; xây dựng cơ chế chính sách cũng như văn bản quy phạm pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Với 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu này, Chính phủ cũng đề ra 33 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu rõ, với nhiệm vụ được giao và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Bộ cũng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 06, cũng như Nghị quyết 148 của Chính phủ; tập trung nghiên cứu, xây dựng pháp luật, công cụ để quản lý đô thị như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cấp thoát nước và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, sớm thẩm định ban hành quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn, đổi mới phương pháp luận quy hoạch nâng lên chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.

Đôn đốc để thúc đẩy, bố trí nguồn lực cho thực hiện quy hoạch cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị; đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình đô thị phù hợp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng 8 nhóm cán bộ quản lý đô thị, cán bộ chuyên môn về đô thị cũng như là quy hoạch chuẩn hóa khung năng lực của cán bộ đô thị; nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho tổ chức chính quyền đô thị
VOVLIVE - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất