Quy định số 332 của Bộ Chính trị nêu rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở.
Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổ chức đảng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hoạt động theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được lập tương ứng với hệ thống tổ chức của Quân đội.
Toàn quân có Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác trong Quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác ngoài Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương có số lượng từ 7 đến 9 thành viên. Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương.
Sau đại hội toàn quốc của Đảng, căn cứ vào Điều lệ Đảng và sự phân công công tác của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ trước chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ của Quân ủy Trung ương được tính từ khi Bộ Chính trị chỉ định và kết thúc khi Bộ Chính trị có quyết định chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ mới.
Quy định của Bộ Chính trị nêu cụ thể việc lập đảng bộ quân khu, đảng bộ ở quân chủng, quân đoàn, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tổng cục Chính trị, các tổng cục, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cảnh sát biển Việt Nam và tương đương; ở binh chủng, binh đoàn, học viện, trường sĩ quan, bệnh viện, viện nghiên cứu, tổng công ty, tập đoàn kinh tế và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Quy định cũng có một chương quy định về tổ chức đảng ở cơ quan quân sự, đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, thành phố; tổ chức đảng ở Ban Chỉ huy quân sự và đơn vị dân quân xã, phường, đặc khu (gọi chung là Ban chỉ huy quân sự và đơn vị dân quân cấp xã).
Theo đó, ở cơ quan quân sự và đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, thành phố lập đảng bộ quân sự tỉnh, thành phố đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy, đồng thời chấp hành nghị quyết của đảng ủy quân sự cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương, nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng (nơi có biên giới).
Đảng ủy quân sự tỉnh, thành phố (gọi chung là đảng ủy quân sự tỉnh) trực thuộc tỉnh ủy, là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, gồm các ủy viên công tác trong đảng bộ quân sự tỉnh do đại hội cùng cấp bầu có 13-19 ủy viên (riêng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng ủy Quân sự TP.HCM có 15-21 ủy viên) và các bí thư tỉnh ủy, phó bí thư tỉnh ủy là chủ tịch UBND tỉnh được ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định tham gia.
Bí thư tỉnh ủy trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự tỉnh. Chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự tỉnh tham gia ban chấp hành đảng bộ tỉnh; trong đó, chỉ huy trưởng tham gia ban thường vụ tỉnh ủy.
Ở ban chỉ huy phòng thủ khu vực, lập đảng bộ cơ sở trực thuộc đảng ủy quân sự tỉnh. Ở ban chỉ huy bộ đội biên phòng, lập đảng bộ cơ sở. Đảng bộ ban chỉ huy bộ đội biên phòng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của đảng ủy quân sự tỉnh (nơi có biên giới), đồng thời chấp hành nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng.
Ở ban chỉ huy quân sự và đơn vị dân quân cấp xã, lập chi bộ quân sự xã trực thuộc đảng ủy xã. Chi bộ quân sự xã đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của đảng ủy xã, đồng thời chấp hành nghị quyết của đảng ủy quân sự cấp trên về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.