Đài truyền hình nhà nước Syria phát đi một tuyên bố của phiến quân thông báo Tổng thống Bashar Al Assad đã bị lật đổ và tất cả tù nhân đã được thả. Tuyên bố kêu gọi mọi người dân bảo vệ các thể chế của "nhà nước Syria tự do", và tuyên bố lệnh giới nghiêm tại Damascus từ 16h chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Tờ báo al-Watan gọi đây là "một trang mới cho Syria và tin tốt là đã không có đổ máu thêm nữa". Giáo phái Alawite – cộng đồng tôn giáo ủng hộ Tổng thống al-Assad – kêu gọi những người Syria trẻ tuổi "bình tĩnh, lý trí, không bị lôi kéo vào những việc làm phá vỡ sự thống nhất của đất nước".
Những quan chức còn lại trong chính quyền Syria đã phát đi tín hiệu muốn chuyển giao quyền lực một cách hoà bình. Thủ tướng Syria Mohammed Ghazi Jalali cho biết chính phủ đã sẵn sàng "giang cánh tay” với phe đối lập và chuyển giao chức năng của mình cho một chính phủ chuyển tiếp.
Nhà trung gian Qatar đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần qua gồm các bộ trưởng ngoại giao và quan chức cấp cao từ 8 quốc gia có lợi ích ở Syria, trong đó có Iran, Saudi Arabia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó các bên nhất trí về nhu cầu phải có “sự ổn định và quá trình chuyển đổi chính trị an toàn".
Iran cho biết người dân Syria nên tự quyết định tương lai của mình “mà không có sự can thiệp mang tính phá hoại hay cưỡng ép của nước ngoài”. Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari cho biết việc giúp chính phủ Syria “là lực bất tòng tâm” và thừa nhận ưu thế quân sự vượt trội của quân nổi dậy.
Trong một phản ứng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cách tiếp cận của Mỹ đã thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông”, khẳng định hành động của Mỹ và các đồng minh đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của các bên ủng hộ chính quyền Syria như Nga, Iran và Hezbollah.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự sụp đổ của chính quyền Syria do Tổng thống Assad lãnh đạo cũng là “khoảnh khắc rủi ro và bất ổn" và Mỹ sẽ đánh giá hành động của phe đối lập: “Trước hết, chúng tôi sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Syria trong trường hợp có bất kỳ mối đe dọa nào phát sinh từ Syria trong giai đoạn chuyển tiếp này. Tôi sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo của khu vực trong những ngày tới. Tôi cũng sẽ cử các quan chức cấp cao trong chính quyền của tôi đến khu vực này. Thứ hai, chúng tôi sẽ giúp ổn định,… đảm bảo sự ổn định ở miền đông Syria. Bảo vệ mọi nhân sự của chúng tôi trước mọi mối đe dọa. Và vẫn duy trì sứ mệnh chống lại quân khủng bố IS, kể cả bảo vệ các cơ sở giam giữ nơi các chiến binh ISIS đang bị giam giữ như tù nhân. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng ISIS sẽ cố gắng lợi dụng mọi khoảng trống để tái xây dựng lực lượng và tạo ra một nơi ẩn náu an toàn. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, Geir Pedersen, cũng kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp tại Geneve để đảm bảo "quá trình chuyển đổi chính trị có trật tự". Giờ đây phe nổi dậy phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ giữa các phe phái vũ trang. Hiện, các chiến binh đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vẫn đang chiến đấu với lực lượng người Kurd được Mỹ ủng hộ ở phía bắc và nhóm Nhà nước Hồi giáo vẫn hoạt động ở các khu vực xa xôi. Đất nước bị chia cắt dưới sự kiểm soát của nhiều lực lượng dân quân khác nhau và các nhóm lưu vong Syria cũng sẽ cố gắng khẳng định ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện chưa rõ cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng thế nào trước vai trò của Hayat Tahrir al-Sham, 1 nhóm nổi dậy nòng cốt từng là 1 chi nhánh của al-Qaeda.
Tiến sỹ Haid Haid, chuyên gia tư vấn, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House có trụ sở tại London, Anh cho rằng: “Hayat Tahrir al-Sham được liệt kê là một nhóm khủng bố. Vì vậy, điều này đặt ra câu hỏi về cách giải quyết. Bản thân nhóm này đã ra hiệu rằng họ sẵn sàng chia sẻ quyền lực, rằng họ đã thay đổi hệ tư tưởng và đã hành động theo cách rất có kỷ luật. Tuy nhiên, với các nhóm vũ trang khác nhau và các khu vực kiểm soát khác nhau, Syria cần một người đứng đầu để đàm phán giữa các nhóm khác nhau”.
Liên minh các nhóm nổi dậy Syria cho biết cần 18 tháng để "thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn" trước khi tổ chức bầu cử. Theo hãng Ap, thủ lĩnh của nhóm nổi dậy lớn nhất Syria, Abu Mohammed al-Golani, phát tín hiệu ủng hộ 1 chính phủ có sự tham gia của nhiều phe phái và khoan dung tôn giáo.