Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 vừa qua khiến cả thế giới bàng hoàng khi các con số thương vong ngày càng tăng lên và hai tuần sau vẫn chưa dừng lại. Trận động đất ấy không chỉ để lại những tổn thất, mất mát, gây bao đau thương cho người dân nơi đây mà còn làm tê liệt nhiều đoạn đường, các chuyến bay tới 10 tỉnh phía Nam của họ cũng bị tạm dừng. Điều ấy khiến cho công tác viện trợ, hỗ trợ của quốc tế cũng như các nhà báo quốc tế trong việc tiếp cận hiện trường hết sức khó khăn.
Nhưng để có thể có các thông tin, cung cấp hình ảnh đúng và chân thực nhất hậu quả và việc khắc phục hậu quả động đất, những khó khăn mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải, cũng như những nỗ lực mà Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội và Công an Việt Nam đang thực hiện tại tâm chấn thì các cơ quan báo chí của Việt Nam đã cử các phóng viên sớm tiếp cận hiện trường. Nhưng nhiều câu hỏi khó được đặt ra là: Ai, phóng viên nào sẽ xung phong tới khu vực động đất Thổ Nhĩ Kỳ lúc này? Làm sao để có thể nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ? Giấy phép tác nghiệp báo chí tạm thời của nước này liệu có được cấp ngay không khi thông tin cứ trôi qua từng giờ, từng phút? Và đặc biệt sự an toàn cho các phóng viên khi vào “chiến trường” này?
Bằng nhiều cách để liên lạc thì may mắn nhóm phóng viên VOV tại Ai Cập, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Italia, phóng viên VTV tại UAE hay các phóng viên Báo quân đội, Truyền hình quân đội được nhập cảnh và được phép hoạt động tại tâm chấn. Khi nhận được giấy phép, anh em phóng viên ai cũng cảm thấy may mắn bởi bình thường để vào được địa bàn nước họ tác nghiệp thì cần cả mớ các công văn, văn bản đóng dấu các loại, rồi chờ đợi thị thực mất hàng tuần... Nhưng trước mắt họ là vô vàn khó khăn, lạ lẫm, bao mối hiểm nguy khi các cảnh báo động đất cùng hàng nghìn cơn dư chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn lúc này mà không ai có thể nói và mường tượng trước được.
Trách nhiệm lớn lao nhưng vinh dự cũng rất nhiều là động lực để các nhà báo tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ quên cả ngày, giờ. Để có được những âm thanh, hình ảnh trung thực, quả cảm của các chiến sĩ, của Đoàn cứu hộ, họ thực sự đã dấn thân, đối mặt với hiểm nguy khi sát cánh cùng các chiến sĩ của ta đi qua những con đường nứt nhỏ hẹp, chui vào đống đổ nát bên cạnh những ngôi nhà nghiêng. Chỉ cần một cơn rung chấn nhỏ cũng có thể bị vùi trong đống bê tông.
Nhưng ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh em vẫn nói vui với nhau là chúng ta ra “chiến trường” giữa thời bình. Nói là “chiến trường” - bởi toàn những người lần đầu tới đất nước này và đi vào khu vực tâm chấn trong cái lạnh tới âm độ, không nhà trọ, không hàng quán, không điện nước cũng chẳng internet và không có các phương tiện giao thông công cộng di chuyển. Thay vào đó, chỉ là tiếng còi xe cứu hộ, xe cứu thương, xe tải, xe quân sự, tiếng máy bay trực thăng tuần tra cùng các lực lượng an ninh đặc nhiệm, lực lượng quân đội thiện chiến với súng ống lăm lăm trong tay sẵn sàng bóp cò bất cứ lúc nào.
Đối mặt với đầy những rủi ro, khó khăn và lo lắng là thế nhưng mỗi khi vào các khu thực địa cùng đoàn cứu hộ của ta, các nhà báo thực sự cảm thông, đau xót khi thấy những người bị thiệt mạng được đưa ra trong các đống đổ nát, gặp những ông bố bà mẹ, người vợ hay người chồng tha thẩn bên các đống đổ nát tìm kiếm người thân hay kỷ vật. Vẫn còn nhiều người mất tích hoặc mắc kẹt bị chôn vùi trong các đống đổ nát. Chính vì thế, đi vào Hatay hay Kahramanmaraş như đi vào nghĩa trang khổng lồ lớn nhất thế giới này.
Thực sự, khó có hình ảnh, ngôn từ nào có thể diễn tả hết những tổn thất, nỗi bi thương, những mất mát, đau thương mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, cũng khó có ngòi bút nào có thể diễn tả hết được sự dũng cảm và phẩm chất cao đẹp của những người lính bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an nhân dân. Các nhà báo đã tác nghiệp không quản không gian, thời gian, không sợ hiểm nguy nhưng trong họ vẫn toát lên tình đồng đội, đồng chí, tình anh em cao đẹp. Không ai bảo ai, nhưng mỗi ngày đi ra thực địa, anh em báo chí đều mang cả phần ăn cho nhau dù đó chỉ là chiếc bánh quy hay ngụm nước - nhưng nó là sự tiếp sức quý giá để anh em có thể “chiến đấu” cả ngày trong các đống đổ nát và hành quân cùng các chiến sĩ. Đi qua các khu nhà nghiêng đổ, tác nghiệp ở dưới chân các nhà cao tầng nứt nẻ… anh em hăng say tác nghiệp nhưng cũng không quên quan sát cho nhau, túm áo nhau di chuyển bởi mọi rủi ro đều có thể.
Những khẩu phần ăn trưa nhỏ mang theo, anh em cũng sẵn sàng nhường cho các em nhỏ hay người già mà họ gặp. Đêm xuống, băng tuyết xuất hiện khiến tay chân tê cóng, ngồi trong lán trại, anh em chia sẻ cho nhau từng ổ cắm điện, dây sạc, pin dự phòng... có đồng chí mệt quá ngủ thiếp đi người bên cạnh lẳng lặng kéo tấm chăn mỏng đắp cho bạn mình - hành động nhỏ ấy như ngọn lửa sưởi ấm giữa đêm đông ở Hatay. Trong “chiến trường” đầy hiểm nguy này, họ gần gũi, thân thiết như anh em một nhà.
Đêm lạnh không ngủ được, ngồi bên nhau, nhà báo Hải Linh - Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: "Đi chuyến này lo lắng lắm anh ạ, lần đầu em đi tác nghiệp ở sự kiện lớn và hiểm nguy tới vùng thảm họa không biết có an toàn không? Nhưng khi tới thực địa bắt gặp những ánh mắt buồn, thấy những người thơ thẩn bên đống đổ nát và thấy những ánh mắt đầy nghị lực, thấy chiến sĩ ta dũng cảm lao vào các khu nhà đổ nát để cứu dân, anh như thấy trách nhiệm của nhà báo và như tiếp thêm động lực mạnh mẽ và quên mọi hiểm nguy để tác nghiệp".
Cũng dấn thân, nhà báo, đại úy Phùng Chí Cương, Truyền hình quân đội thực sự xúc động khi người dân nơi đây chia sẻ với các nhà báo, chiến sĩ ta chai nước, miếng bánh dù họ đang khó khăn đủ thứ sau thảm họa động đất. Nhưng vinh dự được cơ quan tin tưởng và cử đi một sự kiện lịch sử của quân đội ta, nên mỗi bước chân ở Antakya, mỗi hình ảnh đều được anh ghi lại. Hình ảnh chiến sĩ ta không ngại hiểm nguy, người dân Thổ Nhĩ Kỳ kiên cường và đoàn kết chính là động lực để anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của mình. Anh xúc động đến nghẹn lời khi nghe người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói “khi các anh đi, từng viên gạch, tán cây, ngọn lửa sẽ rất nhớ các anh”.
Để có những khuôn hình trung thực nhất về sự dũng cảm của các chiến sĩ, Đại úy Nguyễn Thế Tùng đã nhiều lần tiến sát các khu nhà nghiêng nứt hay chui vào các khe bê tông mà quên hết cả nguy hiểm và các rủi ro rình rập. Điều khiến Đại úy Nguyễn Thế Tùng xúc động nhất khi giữa những đống hoang tàn, trong đau thương, tình yêu thương của con người được tỏa sáng và cao đẹp. Đó thực sự là tình cảm ấm áp, xóa tan cả ngôn ngữ, địa lý, văn hóa, tôn giáo. Đó là động lực mạnh mẽ nhất, thôi thúc anh tác nghiệp.
Điều mà nhà báo, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Báo quân đội nhân dân xác định tới Thổ Nhĩ Kỳ là tham gia cứu hộ nhưng trên mặt trận báo chí và làm sao để có những hình ảnh đẹp, phản ánh hết những nỗ lực của đoàn cứu hộ của ta. Anh biết rằng tới đây như ra “chiến trường” và những đốm lửa nhỏ sưởi ấm cho người dân nơi đây và toàn đoàn chính là kết quả, tin báo của đoàn cứu hộ khi tìm thấy sự sống, hay tìm thấy nạn nhân hoặc những lúc các chiến sĩ ta giúp dân thu dọn đồ từ các tòa nhà cao tầng nghiêng nứt.
Tác nghiệp tại tâm chấn của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp, khó quên với các nhà báo Việt Nam. Sẽ nhớ mãi nơi đây, nơi mà người dân phải chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa thiên nhiên trong vòng 100 năm qua nhưng giữa khó khăn hoạn nạn, giữa tâm chấn tình người với người đã lan tỏa, đó là hình ảnh đẹp nhất, là ngọn lửa sưởi ấm cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ và tình đoàn kết quốc tế một lần nữa được khẳng định./.