Anh Shishir Dholakia, một nghiên cứu sinh đang theo học bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn tại Đại học Nam Queensland (Úc), là thành viên của nhóm quốc tế đã công bố phát hiện này trên Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.
“Thực hiện một số phép tính cơ bản, chúng tôi đã tính ra rằng Gliese 12b có thể có kích thước bằng Trái đất, có khí hậu ôn hòa và nó thực sự rất gần. Trong khoảng một ngày, chúng tôi đã nghĩ đến việc công bố phát hiện này, vì đây là một điều tuyệt vời”, anh nói.
Gliese 12b có kích thước bằng Trái đất hoặc nhỏ hơn một chút, gần giống Sao Kim, với nhiệt độ bề mặt được ước tính là khoảng 42 độ C. Quỹ đạo 12 ngày của nó xoay quanh Gliese 12, một sao lùn đỏ lạnh trong chòm sao Song Ngư. Gliese 12 có kích thước bằng khoảng 1/4 kích thước mặt trời và nhiệt độ bề mặt bằng khoảng 60%.
Anh Dholakia, người đã cộng tác với NASA để xác nhận hành tinh mới, đồng dẫn đầu nhóm với một nghiên cứu sinh khác tại Đại học Edinburgh (Scotland) - cô Larissa Palethorpe.
“Nó chỉ cách 40 năm ánh sáng, tuy điều này không có nghĩa là chúng ta có thể đến được nó trong tương lai gần, nhưng chúng ta có thể theo dõi nó qua những kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới và hiểu được bầu khí quyển của nó”, anh Dholakia nói.
Điều đó có thể giúp làm sáng tỏ hệ mặt trời của chúng ta, anh giải thích. “Trái đất và Sao Kim là những ví dụ điển hình về cách bầu khí quyển có thể thay đổi bề mặt của một hành tinh. Vì vậy, trong khi Trái đất là thiên đường cho sự sống như chúng ta biết, Sao Kim lại đủ nóng để làm tan chảy chì trên bề mặt của nó”.
“Và sự khác biệt giữa hai hành tinh này phần lớn là do sao Kim có bầu khí quyển rất khắc nghiệt. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng hành tinh này, nằm ngay giữa Trái đất và Sao Kim xét về lượng ánh sáng mà nó nhận được từ mặt trời, thực sự có thể giúp chúng ta hiểu vì sao Sao Kim và Trái đất lại khác nhau đến vậy”, anh Dholakia cho biết.
Theo NASA, Gliese 12b là một ứng cử viên sáng giá để nghiên cứu sâu hơn bằng kính viễn vọng không gian James Webb.