Nông sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Nhật Bản

Bá Toàn/VOV | 30/03/2022, 11:43

Thị trường Nhật Bản luôn là điểm sáng duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ khi cơ cấu hàng hóa của cả hai nước mang tính bổ sung và không mang tính cạnh tranh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm sang thị trường Nhật Bản, ngày 29/3, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản”.

Với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn. Trong bối cảnh xuất nhập khẩu bị tác động do dịch Covid-19, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt hơn 42 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 4,4%, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 11,3%.

Đặc biệt, tại Nhật Bản, số lượng người dân đến từ các nước châu Á hiện đang sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong bối cảnh nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng hàng hóa của cả hai nước mang tính bổ sung và không mang tính cạnh tranh.

“Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn, nông lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do FTA song phương, đa phương tạo ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi mở rộng hợp tác giao thương giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới”, ông Tài cho biết.

Hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản” nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động thường niên của Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tư vấn, đưa ra các khuyến nghị, tháo gỡ khó khăn cho DN liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản./.

Bài liên quan
Nhật Bản có tân Thủ tướng
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba trở thành lãnh đạo mới của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm và làm việc với Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng
VOVLIVE - Sáng nay 29/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đã đến thăm và làm việc với Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Cùng dự buổi làm việc có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc và lãnh đạo Tổng Cục II.
Mới nhất