Tháng 8 hàng năm là thời điểm vựa na Chi Lăng (Lạng Sơn) vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom.
Tại những vườn na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân tấp nập vận chuyển na ra bán cho các thương lái.
Chị Nông Thư (sống tại thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn) tiết lộ, vào vụ, gia đình chị thường dậy từ sớm để leo lên núi hái na. "Na được thu hoạch khi mắt mở to, vỏ dần chuyển màu xanh nhạt, ngả trắng sáng. Khoảng hai tiếng buổi sáng, mỗi người chúng tôi chọn lọc và cắt được khoảng 45kg", chị Thư nói.
Sau khi thu hái, na được tập kết, phân loại và xếp vào thúng để gánh xuống chợ.
Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Mỗi gánh na gần nửa tạ được người dân lần lượt chuyển bằng xe máy từ trên núi xuống qua lối đường đường mòn khúc khuỷu, cheo leo vách đá.
Bà con ở Chi Lăng còn dùng ròng rọc đưa na từ đỉnh núi xuống phía dưới, mỗi chuyến có thể chở đc 40-60kg.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, lãnh đạo đã tới từng hộ dân, phổ biến cho từng người lao động sản xuất cây na tốt, sạch. Nhờ cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản vốn nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, khang trang, sạch đẹp.
“Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất các vùng nông sản chủ lực; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành chuỗi giá trị”, Chủ tịch huyện Chi Lăng cho biết.
Vùng sản xuất na Chi Lăng chủ yếu tập trung ở các xã: Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Diện tích ước đạt trên 2.300ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng.