Những lý do khiến nhiều người dân TP.HCM ngại sinh con

01/09/2024, 14:30

Những năm qua, TP.HCM có tỷ lệ sinh thấp hàng đầu cả nước trong khi tỷ lệ người già ngày càng tăng, đặt ra những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Đẻ ra thì lấy tiền đâu mà nuôi

Anh Phạm Văn Lý (47 tuổi) và chị Trần Thùy Dương (39 tuổi) cưới nhau đầu năm 2019 dự kiến đến năm 2020 sinh con. Nhưng ngay sau đó, vợ chồng anh phải gác lại kế hoạch do không đủ điều kiện kinh tế. Anh Lý chia sẻ, khi dịch COVID-19 xảy ra, khách sạn của anh không kinh doanh được, 2 năm liền thua lỗ. Đến năm 2022, anh Lý phải bán khách sạn để trả nợ. Từ đó tới nay, vợ chồng anh Lý anh chỉ mở một quán cà phê nhưng việc làm ăn khó khăn, doanh thu từ quán chỉ vừa đủ cho vợ chồng anh trang trải cuộc sống và gửi về cho cha mẹ già ở quê. Đến nay, hai vợ chồng đều lớn tuổi, rất muốn có con nhưng lại sợ không đủ khả năng lo được cho một đứa trẻ.

Anh Phạm Văn Lý buồn bã nói: "Chúng tôi lấy nhau 5 năm mà chưa sinh con là do kinh tế eo hẹp, không có tiền, khi nào có tiền mới sinh con. Chi phí nuôi con rất tốn kém, nhất là ở Sài Gòn".

Anh Lý cho biết, do chi phí sinh hoạt ở TP.HCM quá đắt đỏ nên anh dự tính về quê sống rồi sinh con. Nhưng nghĩ lại, ở quê anh chị quá khó tìm việc làm trong khi nhiều năm nay làm nông nghiệp quá khó khăn.

Tương tự, anh Vũ Trác Nguyên (40 tuổi, ngụ Quận 1) đã kết hôn với chị Thúy (38 tuổi) được 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa sinh con. Anh Nguyên kể lại, những năm đầu lấy vợ, anh từng là một IT với mức lương 36 triệu đồng/tháng. Do quá bận rộn, phải làm việc đến đêm nên anh tập trung phát triển sự nghiệp trước. Đầu năm 2023, anh xin nghỉ làm vì lý do riêng và gần đây mới tìm được công việc với mức lương chỉ bằng 1/4 so với trước. Hiện tổng thu nhập của hai vợ chồng anh Nguyên chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác thì không đủ nuôi một đứa trẻ. Vợ chồng anh Nguyên đành phải kéo dài kế hoạch sinh con.

Khi kinh tế gia đình ổn định trở lại thì tôi rất muốn có con. Trời cho sao thì tôi nhận vậy nhưng nếu sinh được 2 đứa là điều tôi mong muốn nhất. Tôi nghĩ có hai con thì trẻ nhỏ sẽ có anh chị, vừa có bạn để cùng chơi cùng phát triển thì sẽ tốt. Chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm để giáo dục con nhỏ", anh Nguyên cho biết.

Không chỉ vì tiền bạc

Ngoài chi phí để nuôi con, anh Nguyên còn lo ngại vấn đề y tế, sức khỏe, an toàn thực phẩm, bạo lực học đường… nên anh phải chuẩn bị rất nhiều việc để có thể lo tốt được cho con cái sau này.

Không có quá nhiều lo toan về kinh tế, song một bộ phận giới trẻ hiện nay không muốn lập gia đình hay sinh con. Như trường hợp chị Anh Thơ (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Làm nhân viên văn phòng, lương tháng khoảng 8 triệu đồng, chị Thơ tranh thủ bán hàng online kiếm thêm thu nhập.

Chị Thơ cho rằng khi sinh con phải lo cho con đầy đủ, không chỉ về vật chất mà còn phải dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái, trong khi chị không thể đáp ứng được cả hai điều kiện này. Ngoài ra, tuổi thơ của chị đã chứng kiến cha mẹ và người thân mâu thuẫn, hôn nhân không trọn vẹn khiến chị trở nên lo sợ, mất niềm tin. Bởi vậy, chị Thơ cho rằng không nhất thiết phải có con mới là hạnh phúc.

"Mình chứng kiến rất nhiều trường hợp khi sinh con ra nhưng không đủ điều kiện lo cho con rồi nảy sinh các cuộc cãi vã, giận hờn, thậm chí là dẫn đến ly hôn. Ba mẹ mình cũng ly hôn từ khi còn nhỏ nên mình cũng sợ điều đó, không thể mang lại cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc gia đình cho con nên mình chắc chắn sẽ không kết hôn, không sinh con".

Chị Thơ đã chia sẻ quan điểm của mình cho bố mẹ và người yêu, lúc đầu cũng không nhận được sự ủng hộ nhưng sau đó cả cha mẹ với bạn trai đều tôn trọng quyết định của chị.

Qua khảo sát, nhiều người dân TP.HCM không muốn hoặc trì hoãn sinh con với nhiều lý do khác như: thích cuộc sống tự do, sợ trách nhiệm, muốn dành thời gian cho bản thân và sự nghiệp hay không muốn ràng buộc trong hôn nhân…

Cần thay đổi nhận thức

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%. TP.HCM kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106 -107 trẻ nam/100 trẻ nữ. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ở mức khá cao 76,5 tuổi so với cả nước 73,7 tuổi.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, năm 2023, một phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tại thành phố sinh trung bình 1,32 con (là một trong các tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước), tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến cuối năm 2023 của TP.HCM là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%. Trong khi đó, theo cơ sở dữ liệu từ Công an TP.HCM, năm 2023, số người trên 60 tuổi của TP là 1.135.889 người (chiếm tỉ lệ 12,05%). Những con số này cho thấy Thành phố đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa dân số tại Thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao, tạo ra áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội, thiếu hụt lao động, suy giảm nguồn nhân lực, tạo gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở Y tế TP.HCM đang tham mưu cho HĐND TP giải quyết dự thảo gói chính sách về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và hỗ trợ một phần kinh phí cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, Thạc sĩ Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM nhận định, việc hỗ trợ kinh tế không phải yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề mức sinh thấp mà quan trọng nhất là cần thay đổi quan điểm, nhận thức của người dân. Để thực hiện chính sách hiệu quả, cần giúp các cặp vợ chồng có tư duy đúng về chăm sóc con cái:

"Sử dụng tiền hay giải pháp kinh tế không phải là mới. Những giải pháp này đã được các quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… áp dụng. Họ dùng đòn bẩy kinh tế trong chính sách, hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên hầu hết đều không giải quyết được vấn đề. Suy cho cùng vấn đề mấu chốt quan trọng  vẫn là tác động truyền thông thôi".

Để đối phó với tình trạng già hóa dân số, ngành y tế TP.HCM đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho các cặp vợ chồng sắp sinh và cặp đôi sắp kết hôn; kêu gọi người dân đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc nâng cao chất lượng dân số rất cần sự chung tay góp sức của tất cả các cơ quan ban ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Chính phủ và Quốc hội hãy cùng nhau sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống"
Ngày 25/12, Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra tại trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Mới nhất