Nhiều ý kiến phản biện xung quanh Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

PV/VOV.VN | 04/04/2024, 14:56

VOVLIVE - Theo ông Ngô Sách Thực, cần phải quy định trách nhiệm nếu điều chỉnh sai quy hoạch vì vừa qua nhiều khu đô thị thay đổi phân khu, chức năng, cốt đường tạo ra thiệt hại, bức xúc trong nhân dân.

Ngày 4/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, tuy nhiên cần thiết quy định không gian chiều cao.

Ông Ngô Sách Thực phân tích, nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lý thuyết “không gian sinh lời”. Thực tế, nhiều khu đô thị ở nước ta phải khống chế chiều cao của các công trình vì nhiều khu dân cư mật độ nhà cao từ 30 đến 50 tầng rất dày. Do đó, nếu không có quy định thì rất khó xử lý vi phạm.

Đề xuất cần có quy định chặt chẽ về thay đổi quy hoạch và hệ quả pháp lý, ông Ngô Sách Thực cho rằng, toàn bộ dự thảo chưa thấy đề cập đến thời gian của các loại quy hoạch đô thị. Hơn nữa, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch bổ sung nguyên tắc “không phá vỡ quy hoạch chung, bảo đảm môi trường, cảnh quan” là chưa đủ. Vì vừa qua nhiều khu đô thị thay đổi phân khu, chức năng, cốt đường tạo ra thiệt hại, bức xúc trong nhân dân. Do đó, cần phải quy định trách nhiệm nếu điều chỉnh sai, gây thiệt hại cho người dân.

Ở một góc độ khác, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, vấn đề quy hoạch lãnh thổ về bản chất chỉ đặt ra đối với các lãnh thổ quần cư, tức là với các cấp chính quyền mà trọng tâm là các đô thị nguyên bản.

Các đơn vị có tính quản lý hành chính như tỉnh, huyện, quận, phường không cần thiết và cũng không có nhu cầu quy hoạch riêng, bởi đã nằm trong quy hoạch tổng thể của quốc gia hoặc của bản thân đô thị gốc.

"Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này nên giữ theo luật cũ là Luật Quy hoạch hay Luật Quy hoạch đô thị, trong đó trọng tâm là điều chỉnh những nguyên tắc lập, quản lý quy hoạch phát triển tổng thể một lãnh thổ - không gian sống quần cư và chủ yếu về lãnh thổ đô thị", ông Đức kiến nghị.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn là yêu cầu cần thiết được xác định trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023. Luật có vị trí quan trọng với nhiều thách thức mới cần được nghiên cứu, đề xuất mới.

Về đơn giản hóa lập quy hoạch, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, dự thảo đề cập không yêu cầu lập quy hoạch phân khu với đô thị loại III, IV V, thống nhất đơn giản hơn về cấp độ, hệ thống quy hoạch.

Song theo ông, cần nghiên cứu tốc độ đô thị hóa sắp tới, nhất là Nghị quyết số 25/2022/UBTVQH 15 về sửa đổi, bổ xung, phân loại đô thị. Trong đó xác định đô thị loại III là trung tâm hành chính cấp tỉnh hoặc trung tâm chuyên ngành: kinh tế - tài chính - văn hóa - giáo dục có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh...

“Với dân số trên 200.000 người (chưa điều chỉnh là 100.000 người) và trên 70% lao động phi nông nghiệp. Để thực hiện từng bước và thuận tiện kêu gọi đầu tư rất cần có quy hoạch phân khu. Do vậy, đề nghị chỉnh sửa dự thảo lại là không yêu cầu lập quy hoạch phân khu với đô thị loại IV, V (cấp thị trấn), còn đô thị loại III vẫn cần có quy hoạch phân khu”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến./.

Bài liên quan
Nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
Sáng 20/3, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư (Khóa 11) "về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội" có buổi làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất