Tuyên bố này được ông đưa ra tại cuộc gặp mặt báo chí do Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội. Cuộc gặp nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị gửi đến Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) của các nhạc sĩ Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê và nhóm M6 về các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên kênh Youtube; trả lời các vấn đề liên quan đến trường hợp các tác giả Trần Thanh Tùng, Hoàng Sông Hương về việc ký hợp đồng chuyển nhượng tác phẩm với BH Media; việc 76 đĩa CD do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất nhưng BH Media nhận chủ sở hữu bản quyền trên Youtube.
Nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự: "Chúng tôi là văn nghệ sĩ quân đội, là những người lính sống ở chiến trường, trong số đó không ít người đã hy sinh. Thành ra những việc vi phạm bản quyền (nếu có) không chỉ chà đạp lên mồ hôi mà cả xương máu của người lính nữa. Nhân danh một nhạc sĩ quân đội lão thành, tôi đề nghị cần phải làm rõ trắng đen việc này cho đến nơi đến chốn.
Câu chuyện bài hát 'Tiến quân ca' - Quốc ca nay do BH Media nắm giữ bản quyền ghi âm trên mạng khiến tôi rất bất bình. Từ lâu trong quân đội, 'Tiến quân ca' luôn luôn đi cùng với 'Tiến bước dưới quân kỳ' - bài hát này là từ sự hy sinh của đồng đội khiến tôi có cảm xúc mà viết nên. Tôi viết để trả ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ và đồng đội. Vì vậy, là người lính gần 50 tuổi quân, tôi xin nhờ qua VCPMC chuyển giao bản quyền bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” cho Bộ Quốc phòng".
Như vậy, sau việc bản quyền tác phẩm “Tiến quân ca” được gia đình nhạc sĩ Văn Cao trao tặng Tổ quốc và Nhân dân, nơi tiếp nhận quản lý là Nhà nước Việt Nam thì nay "Tiến bước dưới quân kỳ" sẽ được trao tặng cho Quân đội và do Bộ Quốc phòng quản lý.
(Nguồn: Báo Nhân Dân)