Nhà văn Marc Levy kể chuyện "dở khóc dở cười" khi đi làm phim

Hà Phương/VOV.VN | 22/03/2023, 08:23

Ban đầu, Marc Levy không định tham gia đóng phim, nhưng dưới sự nài nỉ của người bạn thân - đạo diễn Miguel Courtois, ông trở thành diễn viên “bất đắc dĩ”, thành công trong việc khơi gợi cảm xúc nơi khán giả, có thể khiến người xem như thấy chính mình trong đó, cùng cười và khóc với nhân vật.

Nhà văn Marc Levy là tác giả được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu mến qua các tác phẩm “Nếu em không phải là giấc mơ”, “Gặp lại”, “Kiếp sau”… Tính đến nay, ông là một trong những nhà văn đương đại của Pháp được chuyển ngữ và giới thiệu nhiều nhất tại Việt Nam với hơn 20 tác phẩm.

Mới đây, người hâm mộ Marc Levy còn được biết đến một vai trò khác của ông, khi làm diễn viên trong bộ phim chuyển thể từ chính tiểu thuyết của mình mang tên “Mọi điều ta chưa nói” (All Those Things We Never Said). Phim đang phát sóng trên K+, được chính Marc Levy tham gia chấp bút kịch bản, đồng thời kiêm vai trò sản xuất. Đặc biệt là sự kết hợp giữa dàn diễn viên tên tuổi của điện ảnh Pháp gồm Alexandra Maria Lara, Jean Reno.

Ban đầu, Marc Levy không định tham gia đóng phim, nhưng dưới sự nài nỉ của người bạn thân - đạo diễn Miguel Courtois, ông trở thành diễn viên “bất đắc dĩ”, thành công trong việc khơi gợi cảm xúc nơi khán giả, có thể khiến người xem như thấy chính mình trong đó, cùng cười và khóc với nhân vật.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Marc Levy.

Diễn xuất cứ như là được bước vào trong cuốn sách vậy

PV: “Mọi điều ta chưa nói” (All Those Things We Never Said) là một trong những cuốn tiểu thuyết vô cùng ăn khách, đặc biệt là với khán giả Việt Nam. Tác phẩm cũng từng được chuyển thể thành kịch và nay còn được dựng thành phim dài tập. Vậy cảm hứng nào đã đưa ông đến với việc sáng tác cuốn sách này?

Nhà văn Marc Levy: Nó còn tuỳ vào cách bạn gọi thế nào là nguồn cảm hứng. Câu chuyện bắt đầu từ khoảng 1 năm trước khi tôi bắt đầu viết. Ý tưởng tới khi tôi đang ngồi trong xe của mẹ và nói chuyện qua điện thoại với con trai, còn bà ấy thì lái xe. Lúc cúp máy, tôi nói: “Hẹn gặp con tối nay. Bố yêu con”.

Mẹ bỗng dưng nói một điều làm tôi vô cùng bất ngờ: “Ông con chưa bao giờ nói là ông ấy yêu mẹ”. Tôi nhìn bà ấy và nghĩ, đã bao năm trôi qua, ông ngoại tôi mất cũng đã lâu, nhưng bà ấy vẫn suy nghĩ về chuyện đó.

Vậy nên tôi đã nghĩ về những điều mà con người ta chưa bao giờ nói ra. Tôi cũng quay sang mẹ và nói rằng mẹ biết ông yêu mẹ mà. Nhưng bà ấy không đáp lại. Tôi bỗng nhận ra ý bà ấy, mẹ tôi hiểu nhưng mẹ đã mong ông nói ra thành lời.

Đó là lúc tôi bắt đầu có ý tưởng cho cuốn sách. Mọi điều ta chưa nói được, vì chúng ta xấu hổ, vì để nói lời yêu thương thì cần rất nhiều dũng cảm, bởi mỗi người có một rào cản của lòng tự tôn. Đôi khi là vì khoảng cách thế hệ nữa. Cách thể hiện cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Đó là khởi đầu của câu chuyện này.

PV: Khi chuyển thể câu chuyện sang phiên bản phim dài tập, ông gặp phải những khó khăn thế nào?

Nhà văn Marc Levy: Tôi nghĩ chuyển thể thành phim điện ảnh thì khó hơn. Phim điện ảnh có thời lượng khoảng 1.5 tiếng đồng hồ, nên bạn phải thay đổi câu chuyện, cô đọng hơn 400 trang sách vào một kịch bản phim khoảng 100 trang. Với phim truyền hình, mọi chuyện dễ dàng hơn vì có nhiều thời gian, 9 tập, mỗi tập 30 phút, nên bạn có thể kể lại đầy đủ câu chuyện.

Khác biệt ở chỗ khi viết sách, chính bạn là đạo diễn câu chuyện. Bạn viết ra, rồi tự sáng tạo tương tác giữa các nhân vật. Cuốn sách tự thân thể hiện mọi yếu tố, từ ánh sáng, âm thanh đến cảm xúc. Còn khi đưa lên màn ảnh, điểm hay là mọi thứ sẽ hiển hiện lên trước mắt, nhưng khó khăn là bạn phải mang mọi thứ từ câu chữ ra ngoài đời thật. Đó là cả một quá trình. Rồi còn phải tạo đất diễn cho diễn viên, để chính họ là người thông dịch tác phẩm. Vậy nên mọi thứ phải thật súc tích, ít lời thoại hơn so với sách. Bạn không cần phải mô tả mọi thứ cụ thể ra.

PV:Trong bộ phim này, ông đảm nhiệm rất nhiều vai trò, từ biên kịch, nhà sản xuất, và cả diễn viên. Lý do nào khiến ông quyết định tham gia nhiều khâu như vậy?

Nhà văn Marc Levy: Hoàn toàn là trùng hợp thôi. Vai diễn của tôi đến từ một lời bông đùa. Tôi và đạo diễn vô cùng thân thiết. Chúng tôi là anh em chí cốt. Khi chúng tôi bắt đầu chuyển thể, nhân vật mà tôi đóng, nguyên gốc là Stanley, còn trong phim là Robert. Đó lẽ ra là vai diễn rất phụ, nhưng khi chúng tôi gửi kịch bản cho Canal, họ rất thích tương tác giữa nhân vật chính Julia và Robert, nên họ mong muốn nhiều hơn nữa. Đạo diễn cũng thích nên cũng thêm vào. Thế là đất diễn của nhân vật này cứ càng ngày càng lớn.

Khi xong xuôi và chuẩn bị ghi hình, tôi bảo đạo diễn là tôi không đóng vai này đâu. Phải diễn nhiều quá, tôi không làm đâu. Nhưng anh ấy khăng khăng bắt tôi làm. Thực ra tôi không muốn lắm, nhưng mà phải nói là cũng rất vui.

PV: Ông nhận thấy có những khác biệt thế nào giữa việc làm nhà văn và diễn viên?

Nhà văn Marc Levy: Thực ra diễn xuất rất vui. Vui nhất là vì khi viết sách, bạn có sự kết nối sâu sắc với nhân vật, nhưng khi bạn hoá thân thành họ, hấp dẫn nhất là sẽ được tương tác với chính các nhân vật do mình tạo ra. Điều đó rất vui. Cứ như là được bước vào trong cuốn sách vậy.

PV: Để giới thiệu phiên bản phim dài tập của “All Those Things We Never Said” tới khán giả, ông sẽ mô tả nó như thế nào?

Nhà văn Marc Levy: Thực ra bộ phim này gồm rất nhiều thể loại. Nó là sự kết hợp của yếu tố hài hước, drama, tình cảm gia đình. Nhưng hơn hết thì tôi thấy nó là cả một hành trình. Chúng tôi đã ghi hình ở 7 địa điểm khác nhau. Julia và cha mình bắt đầu hành trình đó, và khán giả sẽ khởi hành cùng với họ. Không chỉ là hành trình qua các thành phố châu Âu, mà còn là hành trình thời gian, khi họ quay ngược về ký ức những năm 1989.

Vậy nên bộ phim sẽ là một hành trình đáng theo dõi, cả về thời gian và không gian. Chúng tôi đã ghi hình ở Madrid, ở Berlin, sa mạc Tây Ban Nha, phía Bắc nước Pháp, rồi ở Bruges… Vòng quanh châu Âu, thật là một hành trình tuyệt đẹp.

PV: Ông có những suy nghĩ thế nào về Jean Reno và các diễn viên tham gia bộ phim?

Nhà văn Marc Levy: Có một cảnh phim khi Jean Reno ngồi ở quầy bar cùng nhân vật Julia và xin lỗi con gái vì những sai lầm của mình trong quá khứ. Cả đoàn phim chăm chú theo dõi và rơi nước mắt. Khoảnh khắc đó vô cùng cảm động. Họ đều nắm rõ kịch bản, vậy mà khi ghi hình cảnh quay đó, tất cả đều khóc. Từ nhân viên trang điểm cho tới tổ âm thanh, ánh sáng, ai cũng khóc. Ngay cả nhân vật chính Julia cũng khóc.

Tôi vô cùng biết ơn Jean vì diễn xuất tuyệt vời. Hai diễn viên chính rất tài năng, cả Jean và Alexandra. Đôi khi cuộc sống trao cho bạn những món quà như vậy đấy. Họ gần như hợp nhau ngay lập tức.

Sau khi ghi hình, họ như trở thành một cặp cha con thật sự, giữa cả hai dường như có sự kết nối. Ngay cả khi không quay phim, họ trông cũng giống hai cha con, khiến cả đoàn phim đều bất ngờ.

PV:Jean Reno có phải lựa chọn ngay từ đầu cho vai Michel Saurel không?

Nhà văn Marc Levy: Thực ra là cả Jean Reno và Alexandra Maria Lara đều là những sự lựa chọn đầu tiên. Alexandra vốn là lựa chọn của đạo diễn Miguel. Còn về phần tôi, ngay khi hoàn thành kịch bản, tôi tới gặp Jean.

Hai người họ rất ngưỡng mộ nhau. Jean rất thích Alexandra từ những tác phẩm trước đó, và rất vui vì được hợp tác cùng cô ấy. Từ phía Alexandra, cô ấy là fan của Jean và rất háo hức được làm việc cùng anh ấy. Cả hai đều tôn trọng lẫn nhau.

Tôi nghĩ bộ phim là một thử thách về cảm xúc với Jean. Tôi đã quen anh ấy một thời gian, chúng tôi khá giống nhau ở điểm là đều có phần nhút nhát. Chúng tôi không giỏi thể hiện ra ngoài lắm. Jean cũng là một người cha, nên câu chuyện phim cũng khá ảnh hưởng đến anh ấy. Tôi nghĩ với vai diễn này, anh ấy đã tự đặt ra cho mình nhiều thử thách. Nhưng Jean đã làm vô cùng tốt khi thật sự hoá thân vào nhân vật. Anh ấy là một người sẵn sàng chấp nhận thách thức và hết mình vì vai diễn.

Công việc viết đòi hỏi sự kiên trì và liên tục

PV: Nhân nói về chuyện viết lách và kể chuyện, ông đã có một sự nghiệp đồ sộ. Nhưng ông thường hay gặp thử thách thế nào trong quá trình viết?

Nhà văn Marc Levy: Thực ra công việc nào cũng có khó khăn cả. Để viết được thường xuyên là không hề dễ dàng. Có những ngày cứ trôi qua vậy thôi, có những ngày phải viết đi viết lại. Tôi không thể phàn nàn được.

Công việc viết đòi hỏi sự kiên trì và liên tục. Và dĩ nhiên có những ngày khó khăn hơn bình thường.

PV:Vậy nếu có thể dành vài lời khuyên cho các cây viết trẻ, những người đang theo đuổi sự nghiệp viết, ông sẽ muốn nhắn nhủ điều gì?

Nhà văn Marc Levy: Đầu tiên hãy đặt câu hỏi vì sao mình làm việc này. Bạn có thể chưa có câu trả lời, nhưng hãy đặt ra cho mình câu hỏi đó. Vì sao mình làm việc này?

Cá nhân tôi, tôi viết vì tôi rất ngại. Có nhiều điều tôi không thể hiện bằng lời nói được, nên tôi chọn cách thể hiện bằng ngôn từ. Bởi vì tôi viết một mình, không nhất thiết cần có người đọc. Ví dụ khi tôi yêu một cô gái và quá ngại để thể hiện ra, thì tôi có thể viết vào nhật ký.

Lời khuyên của tôi là đừng nghĩ tới việc xuất bản vội. Hãy tập trung vào cái mình sẽ viết.

Nếu bạn bắt đầu học nhạc, thì không thể nghĩ đến việc mở buổi diễn ngay được. Phải bắt đầu học từ nhạc cụ. Viết cũng vậy thôi. Khi bắt đầu học guitar hay piano, lúc cầm đàn bạn sẽ chưa biết phải làm gì cả. Bạn phải học và luyện tập rất nhiều, trước khi thật sự biết chơi. Còn khi viết, bạn thực ra đã được học ở trường rồi. Nên bạn sẽ có cảm giác là mình có thể viết được. Nhưng thực ra vẫn cần luyện tập rất nhiều. Vì thế đừng nản lòng.

Hãy luyện tập, và đừng quên, viết chỉ là bước đầu. Sau đó là rất nhiều lần viết lại. Mọi nhà văn trên thế giới đều sẽ nói với bạn rằng công việc này không nhẹ nhàng chút nào đâu.

Cũng không hẳn là lời khuyên, vì tôi thấy mình chưa đủ tầm để cho người khác lời khuyên. Nhưng đó là chia sẻ từ những trải nghiệm cá nhân của tôi.

Bên cạnh đó là sự kiên trì nữa. Một điều mọi người vẫn lầm tưởng khi nói đến nghề viết. Nói đơn giản, khi học đàn piano, nếu cứ mỗi 3 tháng bạn mới dành ra 1 tiếng để tập thì không bao giờ tiến bộ được.

Viết cũng thế, cần sự thường xuyên. Dù là khi đặt bút, mới đầu chỉ viết được vài từ, vài câu, nhưng sẽ có ngày bạn viết được vài trang. Có những ngày bạn nặn mãi chỉ ra vài từ, và cảm thấy rất chán nản, nhưng công việc này là thế mà. Đâu phải ngày nào cũng viết được 5 - 6 trang đâu. Nhưng phải biết là nếu không ngồi vào bàn và bắt đầu thì sẽ chẳng viết được gì hết.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất