Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số

04/07/2025, 19:55

Nguyễn Thế Vinh - Nhà sáng lập Ninety Eight là hình mẫu người trẻ làm giàu từ tri thức và công nghệ, tiên phong xây dựng hệ sinh thái tài chính số cho người Việt.

Gần 10 năm kiên trì với blockchain, anh Nguyễn Thế Vinh và cộng sự đã biến Ninety Eight thành hệ sinh thái tài chính số do người Việt xây dựng. Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện làm giàu bằng tri thức và công nghệ, mà còn là minh chứng cho sự bền bỉ, dám liều và dám đi tới cùng của một thế hệ doanh nhân trẻ Việt.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 1

- Blockchain từng bị ví như một “cơn sốt”. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?

Tôi nghĩ gọi blockchain là “cơn sốt” thì vừa đúng, vừa không đúng. Bất kỳ công nghệ nào mới xuất hiện đều sẽ có một giai đoạn bùng nổ, giống như một cơn sốt để giúp công nghệ đó được lan tỏa nhanh hơn, tiếp cận được nhiều người hơn.

Blockchain cũng cần có những cơn sốt như thế để phổ cập, nhưng cơn sốt không đại diện cho bản chất của công nghệ. Khi cơn sốt qua đi, công nghệ vẫn còn đó và vẫn tiếp tục được sử dụng, phát triển, chứ không biến mất.

- Điều gì khiến một kỹ sư phần mềm như anh rẽ hướng sang blockchain, lĩnh vực khi đó còn rất xa lạ với số đông?

Nếu nói đúng bản chất thì lý do đầu tiên tôi bước chân vào blockchain là... để kiếm tiền. Thời điểm đó, tôi vốn có máu startup. Ngay khi ra trường, tôi đã làm startup đầu tiên một công ty gia công phần mềm nhưng chỉ duy trì được khoảng 6 tháng.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 2

Lúc đó, tôi nhận ra mình còn thiếu quá nhiều, cả về chuyên môn lẫn kỹ năng vận hành doanh nghiệp. Sau đó, tôi quyết định vào Bitcorp, rồi FPT Software làm gần 3 năm, mục tiêu chính là để học hỏi. Tôi xác định rất rõ: không phải làm thuê lâu dài mà chỉ là học đủ để quay lại startup.

Trong khoảng thời gian đi làm, tôi cũng ấp ủ rất nhiều ý tưởng, thậm chí mua sẵn tên miền. Đến khi cảm thấy đã tích lũy đủ kỹ năng rồi thì quyết định quay lại khởi nghiệp. Nhưng vấn đề lớn nhất lúc đó là không có tiền.

Thời điểm đó là đầu năm 2017. Tôi rủ vài người bạn thân cùng khởi nghiệp nhưng ai cũng chọn phương án an toàn, không ai dám nghỉ việc để ra làm chung. Vậy là không có tiền, không có người, kế hoạch startup lại phải gác lại.

Đúng lúc đó, một người bạn rủ tôi tìm hiểu thị trường blockchain, với mục tiêu ban đầu rất đơn giản: kiếm tiền để có vốn làm startup kia. Nhưng khi bước chân vào, tôi nhận ra thị trường này quá hấp dẫn, quá tiềm năng cả về công nghệ lẫn tài chính.

Blockchain kết hợp với yếu tố tài chính tạo ra một thứ rất đặc biệt. Bản thân tôi cũng rất máu kinh doanh, nên thấy lĩnh vực này vô cùng phù hợp. Lúc đó, mục tiêu kiếm tiền không còn là động lực chính nữa, mà là quyết tâm học hỏi, đầu tư nghiêm túc và theo đuổi lâu dài.

- Ninety Eight ra đời trong bối cảnh thị trường đầy rủi ro và hoài nghi. Anh có từng thấy mình quá liều?

Thời điểm đó, thị trường blockchain, đặc biệt là crypto tại Việt Nam cực kỳ rủi ro. Hầu hết mọi người đều nhìn vào nó với ánh mắt dè chừng, thậm chí gắn mác “lừa đảo”.

Tôi phải thừa nhận là đúng thời điểm đó, trong số 100 dự án blockchain tại Việt Nam thì có tới 99 dự án là scam, là lừa đảo. Nên việc mọi người nghi ngờ cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Với tôi, chỉ cần gia đình không cấm cản đã là một sự ủng hộ rất lớn rồi, chứ không thể kỳ vọng họ hiểu hay ủng hộ nhiều hơn. Lúc ấy, tôi nghĩ đơn giản lắm: mình còn trẻ, đây là thời điểm để thử, để mạo hiểm bản thân.

Nếu thất bại thì ít nhất mình cũng sẽ có được kinh nghiệm, có mối quan hệ, có những bài học cho lần sau. Nhưng cơ hội kiểu như vậy chỉ đến một lần khi mình còn trẻ thôi.

- Gần 10 năm xây dựng Ninety Eight, đâu là giai đoạn khắc nghiệt nhất?

Chắc chắn là 2 năm đầu. Tôi và anh Lê Thanh - đồng sáng lập, đều đổ toàn bộ vốn tự thân để xây dựng công ty.

Lúc đó, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: đã làm thì phải đi đường dài, không muốn bán lúa non, không muốn gọi vốn quá sớm để rồi bị mất quá nhiều cổ phần.

Vấn đề là chi phí vận hành mỗi tháng rất cao, khoảng vài chục nghìn USD. Thường thì tôi sẽ cố gắng đảm bảo đủ vốn cho 2-3 tháng tiếp theo. Nhưng cũng có rất nhiều thời điểm, tháng này hết tiền mà không biết tháng sau lấy đâu ra để duy trì.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 3

Đúng nghĩa là hết sạch tiền. Nếu không kiếm được khoản tiền nào trong tháng sau thì công ty chắc chắn sẽ phải đóng cửa.

Nhưng nếu cắt giảm chi phí, giảm nhân sự thì coi như công ty sẽ lao dốc ngay, không thể vực lại được.

Vậy nên tôi và anh Thanh quyết tâm giữ nguyên vận hành, cố gắng tìm mọi cách để xoay tiền. Có lúc làm sự kiện, có lúc tận dụng trend của thị trường để kiếm được một khoản, rồi vượt qua.

Cứ như vậy, lặp đi lặp lại khoảng 5-7 lần trong suốt 2 năm đầu. Đến năm 2021, Ninety Eight mới chính thức gọi được vốn vòng Seed và Private, tổng cộng khoảng 16,5 triệu USD từ các quỹ lớn.

- Và trong hành trình đó, “sự cố” nào khiến anh stress nhất?

Ngoài khó khăn tài chính giai đoạn đầu, có một sự cố rất lớn liên quan đến cộng đồng.

Chúng tôi đi lên từ cộng đồng. Từ năm 2017 đã xây dựng cộng đồng, đến năm 2019 vẫn duy trì, chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, đánh giá các dự án blockchain.

Năm 2020, tôi có đánh giá rất cao một dự án blockchain layer 1 là Solana. Thời điểm đó, Solana chỉ có vốn hóa vài triệu USD, nhìn vào ai cũng nghĩ là “dự án rác”, không ai tin vào tiềm năng.

Tôi phân tích whitepaper, kiến trúc của Solana và tin rằng nó cực kỳ tiềm năng. Lúc đó giá chỉ khoảng 1 USD, tôi công khai chia sẻ tiềm năng đầu tư của dự án, thậm chí kỳ vọng nó có thể lên tới 300 USD.

Nhưng sau đó, Solana tăng lên 3-5 USD thì thị trường sập. Giá Solana rơi về lại 1 USD. Cộng đồng hoảng loạn, đua nhau bán cắt lỗ rồi... quay sang tấn công tôi.

Họ chế meme, spam khắp các group, dùng bot tấn công, thậm chí tìm địa chỉ công ty, nhà riêng, trường học của con tôi để đe dọa. Thời điểm đó cực kỳ stress và nguy hiểm.

Nhưng tôi vẫn tin vào đánh giá của mình. Thậm chí tôi còn mua thêm rất nhiều Solana ở vùng giá thấp. Và cuối cùng, Solana đã lên tới 266 USD như tôi kỳ vọng.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 4

- Tuổi 32 với hệ sinh thái Ninety Eight, anh nghĩ mình đã giàu chưa?

Những gì tôi nói không phải lý thuyết suông mà xuất phát từ trải nghiệm thực tế.

Thời điểm tôi bước vào thị trường, mục tiêu là kiếm tiền để làm startup, nhưng chưa bao giờ động lực của tôi là làm giàu. Startup với tôi là thử thách, là để tạo ra giá trị, chứ không phải phương tiện để kiếm tiền bằng mọi giá.

Thực tế, nếu chỉ cần tiền, thì những khoản đầu tư vào Solana và nhiều dự án khác đã đủ để tôi tự do tài chính từ lâu. Nhưng tôi vẫn chọn tiếp tục xây dựng Ninety Eight, vì muốn tạo ra những giá trị lớn hơn, thay đổi ngành tài chính số, tạo ra việc làm và góp phần thay đổi xã hội.

- Nhiều người trẻ khao khát làm giàu, nhưng theo anh, điều gì là gốc rễ bền vững nhất?

Gốc rễ bền vững nhất chính là phát triển bản thân.

Trải nghiệm cá nhân của tôi là năm 2017, tôi kiếm được rất nhiều tiền. Lúc đó, tôi nghĩ mình giỏi, nhưng thực ra chỉ là ăn may. Thời điểm đó, mua coin nào cũng lời, đầu tư gì cũng thắng.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 5

Nhưng khi thị trường sập vào 2018-2019, mọi thứ bay sạch. Lúc đó tôi mới nhận ra: mình chẳng biết gì cả, phải học lại từ đầu.

Vậy nên, kiếm tiền là một chuyện, nhưng giữ được tiền và làm nó sinh sôi bền vững lại là chuyện hoàn toàn khác.

- Người Việt trẻ có tiềm năng lớn, nhưng đang thiếu điều gì để bứt phá trong công nghệ và tài chính số?

Người Việt thông minh, nhạy bén, bắt sóng rất nhanh. Nhưng chính vì thế nên dễ rơi vào tư duy làm giàu nhanh, chạy theo trend, thiếu kiên nhẫn.

Điểm yếu lớn nhất là thiếu sự kiên trì để buy-in vào một thứ gì đó mang tính dài hạn. Cái gì cũng muốn nhanh, làm cái gì cũng muốn thắng ngay.

Thế hệ trẻ hiện tại đang phân hóa rất rõ. Những bạn xuất sắc thì thực sự rất xuất sắc.

Để bứt phá được, tôi nghĩ cần dám chấp nhận mạo hiểm, dám thử sai liên tục, và sai thì sửa. Bản thân tôi và đội ngũ Ninety Eight đến bây giờ vẫn đang sống theo nguyên tắc đó.

- Trong hệ sinh thái Ninety Eight, điều gì khiến anh tự hào nhất?

Điều tự hào nhất là chúng tôi đã xây dựng được một hệ sinh thái mang tính chất nền tảng. Nó đủ mạnh để bất kỳ ý tưởng nào nảy ra đều có thể hiện thực hóa ngay lập tức trên nền tảng đó.

Hiện tại, chúng tôi đã mở rộng sang Web2, hợp tác với nghệ sĩ, hỗ trợ đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ bằng công nghệ blockchain.

Nhà sáng lập Ninety Eight: Hành trình làm giàu của người Việt trong thế giới số - 6

Ví dụ như bài toán bản quyền âm nhạc. Giờ đây, nhạc sĩ chỉ cần phát hành một bộ giải pháp NFT bản quyền, ca sĩ muốn sử dụng chỉ cần mua license trên blockchain – có thể theo năm, theo tháng, hoặc trọn đời.

Mọi thứ minh bạch, rõ ràng, thanh toán và xác nhận quyền sử dụng tự động. Tranh chấp gần như không còn.

- Đào tạo thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, đóng vai trò thế nào trong chiến lược dài hạn của Ninety Eight?

Vô cùng quan trọng.

Chúng tôi vừa mới tổ chức Uni Tour - chuỗi chia sẻ tại các trường đại học, gặp gỡ sinh viên các khoa tiềm năng để giới thiệu về blockchain, về Ninety Eight, về cơ hội nghề nghiệp trong ngành này.

Ngoài ra, chúng tôi còn cấp học bổng trị giá 1 tỷ đồng cho mỗi trường.

Trong nội bộ, Ninety Eight luôn có chương trình đào tạo, hỗ trợ nhân viên học tập, tham gia các khóa học chuyên môn, chứng chỉ quốc tế.

Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng tuyển sinh viên năm 2, năm 3 để đào tạo dài hạn, chuẩn bị cho nguồn lực 5-10 năm tới.

- Ninety Eight từ một đội ngũ toàn người Việt đã bước ra thị trường quốc tế. Theo anh, yếu tố nào giúp một startup Việt đủ sức đi xa?

Đội ngũ chúng tôi không có ai là “superstar”. Không ai giỏi nhất thị trường. Nhưng chúng tôi là những người... còn ở lại đến bây giờ.

Trong quá trình làm, tôi gặp rất nhiều người, rất nhiều team giỏi hơn mình rất nhiều. Nhưng họ đã rời thị trường, có thể vì không chịu nổi áp lực, hoặc cảm thấy đủ rồi, hoặc vì nhiều lý do khác.

Cuối cùng, chúng tôi vẫn còn ở lại, tiếp tục đi tiếp. Vậy nên tôi nghĩ yếu tố sống còn lớn nhất chính là sự kiên trì, dám bền bỉ với con đường mình đã chọn.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!

Thy Huệ

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: "Chỉ có thể làm tốt hơn, không được để người dân thất vọng"
Nhấn mạnh cần tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn để nhân dân nắm được những quy định, địa điểm, cách thức làm việc tổ chức bộ máy mới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: "Chúng ta chỉ có thể làm tốt hơn, không được để người dân, doanh nghiệp thất vọng”.
Mới nhất