Cuối tháng 3, trời rả rích mưa trước khi chuyển sang mùa hè. Thấy trời mưa to, bà Nguyễn Thị Lan, thôn Đạm Thuỷ 1, xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình cùng chồng vội vàng tìm tấm ni lông che lại mái nhà tạm lợp bằng lá cọ bị dột.
Bà Lan cho biết, tháng 10 năm ngoái, mưa liên tục khiến mảnh đồi phía sau lưng nhà sạt xuống, vùi lấp hoàn toàn căn nhà 3 gian của gia đình. 2 thôn Đạm Thuỷ 1 và Đạm Thuỷ 2 cũng có 11 hộ dân khác bị đồi sạt vào nhà, đe doạ tính mạng bà con. Xã Thạch Hoá phải mượn đất của một hộ dân, san gặt mặt bằng rồi dựng lên khu nhà tạm cho các hộ dân này di dời khẩn cấp.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, ở khu nhà tạm đã gần nửa năm nay, bà con mong sớm được đến nơi tái định cư ổn định cuộc sống: “Giờ mưa là nhà tạm bị dột nước, gió to thổi vào nhà bạt thì bị rách bạt do bạt này lâu rồi, từ hơn 5 tháng nay, cứ mưa là nước tạt vào, nhà chỗ nào cũng ướt hết, đời sống giờ hết sức khó khăn. Chỉ mong chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi có mặt bằng tái định cư để chúng tôi dựng nhà”.
Khu nhà tạm của bà con vùng sạt lở tại huyện Tuyên Hóa gồm 2 dãy nhà nằm đối diện nhau, một dãy nhà che bạt, lợp lá cọ, dành cho 7 hộ gia đình; một dãy che ván, lợp tôn, dùng cho 5 hộ. Mỗi hộ gia đình được cấp một gian rộng hơn 20m2. Để căn nhà không bị sập khi mưa gió, các hộ lượm lại ván ở nhà cũ đã sập đưa lên gia cố nhà bạt.
Ông Mai Văn Cẩn, thôn Đạm Thủy 1, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, do ở tạm nên không chuyên tâm làm ăn, nhà có một con trâu, một con lợn nái đều phải đưa đi gửi nhờ nhà người quen. Trước Tết, trời tạnh ráo, đất khô cứng nên ông Cẩn trở về nhà cũ ở, vì nơi ở tạm quá chật chội. Nhà ông Cẩn ở chênh vênh giữa sườn đồi, phía trước mặt nhà và sau lưng là vực sâu và đồi đất cao, rất dễ sạt lở khi mưa gió.
“Đang ở nhà lá che bạt, điều kiện khó khăn, ở 1 thời gian qua mùa lụt thì xin về lại chỗ nhà cũ vì nhà đông người phức tạp. Bên chính quyền nói sẽ cấp đất cho di dời lên ở chỗ mới để ổn định cuộc sống. Hiện tại bên xã nói lại rằng chưa có kinh phí dự án giải phóng mặt bằng”, ông Cẩn cho biết.
Sau đợt mưa lũ lớn vào tháng 10 năm ngoái, xã Thạch Hóa đã tìm một khu đất bằng phẳng, cao ráo để làm nơi ở tạm cho các hộ dân vùng bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Sau đó, địa phương quy hoạch khu đất rộng 11.800m2 làm nơi tái định cư cho 30 hộ dân bị ảnh hưởng. Mỗi hộ dân được bố trí 200- 300m2 đất, được Nhà nước hỗ trợ từ 10 triệu đến 40 triệu đồng làm nhà mới. Tuy nhiên, nguồn kinh phí vẫn chưa được cấp về.
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ mỗi hộ dân 149 triệu đồng làm nhà, nhưng yêu cầu bàn giao nhà trước 20/5 mới giao tiền hỗ trợ này: “Về tiến độ khu định cư, di dời khẩn cấp các hộ bị sạt lở trong đợt lũ thì đến nay đã chuẩn bị mặt bằng, kiểm tra mặt bằng, hiện nay mặt bằng đã được đo vẽ và được kiểm đếm trích đo xong trình phê duyệt. Về nguồn vốn thì phía huyện họ đang đề xuất tỉnh cấp khẩn trương về để làm cho các hộ di dời trước mùa mưa bão.”
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình phân bổ 52 tỷ đồng để xây dựng 4 khu tái định cư tại 3 huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá và Quảng Ninh cho người dân vùng sạt lở. Mục tiêu của các dự án di dân khẩn cấp này là san lấp mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng thiết yếu: điện, đường, trường học, nước sinh hoạt…, phù hợp quy hoạch lâu dài của địa phương và phong tục tập quán, sản xuất và đời sống của người dân. Theo ông Mai Văn Minh, đến nay, nguồn kinh phí xây dựng các khu tái định cư này vẫn chưa được giải ngân.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều lần, đề xuất Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ, đưa về huyện làm chủ đầu tư. Đề xuất làm khẩn trương vì khoản tiền làm nhà cho dân thì Sở đã xin được hỗ trợ, còn lại tỉnh cần cấp kinh phí để huyện nhanh chóng làm mặt bằng, tình hình không có mặt bằng thì Sở tiếp tục làm văn bản xin đơn vị hỗ trợ cho gia hạn thời gian”, ông Mai Văn Minh nói./.