Người dân ĐBSCL đồng thuận cao trong góp ý sửa đổi bổ sung Hiến pháp 2013

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL | 21/05/2025, 15:07

VOVLIVE - Hiện nay, các cơ quan chức năng, MTTQ các cấp ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang khẩn trương tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và người dân địa phương.

Các vấn đề được các đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp  2013 nhiều nhất là việc sửa đổi, bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9), làm rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định rõ hơn về Công đoàn Việt Nam với tư cách là đại diện của người lao động trong nước và quốc tế (Điều 10); Tái cấu trúc chính quyền địa phương, chấm dứt cấp hành chính huyện và xác lập mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập (Điều 110, 111, 114…); Phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với thực tiễn phát triển. 

Luật gia Nguyễn Văn Giáp ( Hội Luật gia Tiền Giang) nêu ý kiến về việc sắp xếp cơ quan hành chính cấp xã;  Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên: "Tôi đồng ý với chủ trương nhưng việc sắp xếp này cần 2 năm hoạt động mới ổn định. Tôi quan tâm đến vấn đề tỉnh thì ngó không tới mà cấp xã thì làm không nổi. Tôi rất đồng ý với ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư rằng nếu mà phân công nửa vời thì khổ, phân công phải đầy đủ, phải có thẩm quyền giải quyết cho rõ ràng thì dân mới nhờ. Ví dụ chuyển trung tâm hành chính công về xã, thì nhân sự làm ở đây phải có trình độ, kiến thức pháp luật tổng hợp. 

Các tổ chức chính trị, xã hội nhập vào chung với MTTQ thì đã có chủ trương. Trước đây MTTQ và các thành viên chủ yếu phối hợp, còn quản lý là các cơ quan Đảng. Rõ ràng, một tổ chức mà quản lý 2-3 chân thì rất khó, hiệu quả không cao. Tôi đồng ý việc sáp nhập và từng Đoàn, Hội phải làm lại Điều lệ, quy chế rõ ràng".

Còn ông Huỳnh Ngọc Quang, cử tri tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng có ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013: “Là một công dân Việt Nam, tôi rất vui và rất đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là bước quan trọng để tính dân chủ công khai, minh bạch cũng như định hướng, phát triển quốc gia và phản ánh đúng thực tiễn của xã hội; góp phần xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của đất nước.

Tôi rất quan tâm việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy từ Trung ương đến cơ sở. Tôi có đóng góp đề xuất Trung ương quan tâm hơn nữa đời sống của người lao động ở các đoàn thể, các hội ngày càng được nâng cao”.

Bài liên quan
Tạo sự đồng thuận của toàn dân trong sửa đổi Hiến pháp 2013
VOVLIVE - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáng nay, Quốc hội quyết định ngày bầu cử và rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
VOVLIVE - Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Mới nhất