Các doanh nghiệp bán dẫn như Intel và Micron Technology đang lên kế hoạch chi hàng tỷ USD xây nhà máy sản xuất chip bên ngoài nước Mỹ, nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn.
Mới đây CEO Intel Pat Gelsinger đã bay tới Wroclaw (Ba Lan) để công bố kế hoạch xây dựng cơ sở chip trị giá 4,6 tỷ USD tại một thị trấn cổ hơn 1.000 năm tuổi, đánh dấu khoản đầu tư kỷ lục của một công ty Mỹ tại quốc gia này.
Trong khi đó, Micron cũng sắp đạt thoả thuận thiết lập cơ sở đóng gói bán dẫn tại Ấn Độ trị giá ít nhất 1 tỷ USD.
Mỹ đang nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng chủ chốt bên ngoài Trung Quốc nhằm phong toả tham vọng "trỗi dậy" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để đạt mục tiêu trên, Washington thúc đẩy xây dựng cơ sở bán dẫn tiên tiến ở trong nước hoặc các quốc gia “thân thiện”.
Về phía doanh nghiệp, họ tìm cách tận dụng các khoản trợ cấp từ chính phủ nước ngoài khi các quốc gia đều chạy đua thu hút đầu tư bán dẫn để đảm bảo chuỗi cung ứng chip trong nước và tạo việc làm cho người dân.
Cán cân cung cầu chip chênh lệch trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực mạnh mẽ tới lĩnh vực xe hơi và điện tử tiêu dùng, làm lộ rõ thêm các điểm yếu của ngành công nghiệp này.
Trước đó, FT đưa tin Intel dự kiến nhận được gần 7 tỷ Euro (so với đề xuất 10 tỷ Euro) trợ cấp từ chính phủ Đức cho kế hoạch xây dựng tổ hợp bán dẫn ở phía đông nước này.
“Tin tốt là hiện có nhiều công ty quyết định đầu tư lớn cho lĩnh vực bán dẫn tại Đức”, thủ tướng Olaf Scholz nói. “Nếu những kế hoạch này được triển khai, các nhà đầu tư sẽ đổ bộ vào đất nước chúng ta”.
Ngày 16/6, Micron tuyên bố đầu tư thêm 600 triệu USD cho cơ sở đóng gói sản phẩm hiện có ở miền trung Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh vừa ra lệnh cấm sử dụng chip của công ty này trong các cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước./.