Theo ông Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi, thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua đợt chấn động do các biện pháp áp thuế đối ứng của Mỹ, khiến hàng loạt chỉ số lớn như Dow Jones, Nikkei, Hang Seng đồng loạt giảm sâu.
Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam – nơi có nội lực kinh tế tốt và các yếu tố hỗ trợ đặc biệt từ chính sách và ngoại giao, nhà đầu tư có lý do để giữ vững niềm tin và tận dụng cơ hội trong khó khăn.
Chính vì vậy theo ông, trong phiên giao dịch ngày mai, khi chứng khoán Việt Nam quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường có thể ghi nhận sự hồi phục trở lại.
Phân tích cụ thể, ông Huy cho biết, chỉ số RSI của VN-Index hiện rơi xuống dưới ngưỡng 30 – ngưỡng quá bán cực đoan, thể hiện tâm lý hoảng loạn ngắn hạn. Trong quá khứ, mỗi khi VN-Index rơi vào vùng này và tiệm cận các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh (1.200 điểm), thị trường đều ghi nhận sự phục hồi rõ nét trong vài phiên kế tiếp.
Sự bán tháo trong vùng quá bán thường không kéo dài, bởi đây chính là thời điểm tâm lý bi quan đạt đỉnh – cũng là lúc cơ hội bắt đầu hình thành.
Một điểm tựa rất quan trọng cho tâm lý thị trường đến từ cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump – thể hiện tinh thần chủ động đối thoại, giữ ổn định quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế. Đồng thời, đoàn đàm phán thương mại cấp cao của Việt Nam có mặt tại Mỹ, nhằm thúc đẩy việc đưa thuế suất hàng xuất khẩu Việt Nam về 0%.

"Những tín hiệu cho thấy rủi ro từ chiến tranh thương mại có thể được kiểm soát, thậm chí sẽ mở ra cơ hội cải thiện vị thế xuất khẩu của Việt Nam nếu đàm phán thành công. Thị trường sẽ không bỏ qua yếu tố tích cực này", ông Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bất chấp bối cảnh toàn cầu biến động, GDP quý I/2025 của Việt Nam tăng trưởng 6,93%, cao hơn kỳ vọng và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực. Điều này cho thấy nội lực nền kinh tế vẫn rất khỏe - chỗ dựa quan trọng cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
"Kinh tế thực vẫn vận hành tích cực, doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức hỗ trợ – đây chính là nền móng vững chắc để thị trường sớm lấy lại nhịp", ông Huy nhận định.
Theo ông, VN-Index có thể hướng lại vùng 1.230–1.250 điểm, trước khi xác lập xu hướng trung hạn rõ ràng hơn. Dòng tiền thông minh sẽ sớm quay trở lại các nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi từ chính sách và xuất khẩu.
"Thị trường luôn có nhịp rung lắc để “thử lòng” nhà đầu tư. Nhưng kẻ chiến thắng là người biết giữ bình tĩnh khi đám đông hoảng loạn, và đủ nhạy bén để nhìn thấy cơ hội khi người khác chỉ thấy rủi ro.
Đây là thời điểm không dành cho sự hấp tấp, mà cần niềm tin có cơ sở, chiến lược rõ ràng và kỷ luật vững vàng. Những cổ phiếu tốt đang được chiết khấu mạnh – và lịch sử chứng minh rằng trong nguy luôn có cơ", ông Huy nhấn mạnh.
Trong khi đó, dự báo về xu hướng tuần này, Công ty cổ phần chứng khoán Asean đưa ra 2 kịch bản. Với kịch bản khả quan, thị trường có thể hồi phục trở lại sau đà bán tháo mạnh trước đó, khi mà rất nhiều mã cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn. Theo kịch bản kém khả quan, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn về các mốc hỗ trợ 1.150 điểm và 1.000 điểm.
Có góc nhìn thận trọng hơn, khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, đơn vị này nhận thấy một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn như sự tác động của "vùng trũng thông tin" từ chứng khoán Mỹ ảnh hưởng đến VN-Index hay rủi ro tỷ giá.
Đơn vị này hạ dự báo VN-Index xuống mức 1.350-1.380 điểm trong năm nay, thay vì mức 1.400-1.420 điểm như trước đây. Quan điểm được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết...
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm nay cũng như MSCI trong năm sau.
Đồng quan điểm, nhóm Phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho hay, trong ngắn hạn, thị trường chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính. Đây là áp lực lớn, bất ngờ với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư, dẫn đến thị trường có những phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này vẫn có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tới.
Do đó, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.