Kế hoạch này bao gồm lệnh trừng phạt, cáo trạng và tịch thu tên miền những website được quan chức Mỹ cho là điện Kremlin sử dụng để phát tán thông tin tuyên truyền và sai lệch về Ukraine.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nêu chi tiết những hành động do Bộ Tư pháp thực hiện, bao gồm việc truy tố hai nhân viên người Nga của đài RT. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông Konstantin Kalashnikov và bà Elena Afanasyeva đã tài trợ, điều hành một công ty sản xuất tại bang Tennessee của Mỹ. Công ty này đã xuất bản các video tiếng Anh trên các nền tảng mạng xã hội nhằm làm gia tăng chia rẽ trong nước Mỹ.
“Người dân Mỹ có quyền được biết khi thế lực nước ngoài tham gia vào hoạt động chính trị hoặc tìm cách tác động đến diễn ngôn công cộng”, ông Garland cho biết.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với ANO Dialog - tổ chức phi lợi nhuận của Nga giúp điều hành mạng lưới Doppelganger và tổng biên tập của đài RT, Margarita Simonyan cùng nhân viên của bà.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra phần thưởng trị giá 10 triệu USD đối với thông tin liên quan đến can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ. Bộ này thông tin thêm họ đang tìm kiếm thông tin về nhóm Russian Angry Hackers Did It, hay RaHDit.
Quan chức Mỹ liên tục cảnh báo về nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Nga. Cơ quan gián điệp Mỹ đánh giá điện Kremlin ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump hơn Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tháng 11.
Năm 2016, cơ quan tình báo Mỹ bất ngờ trước nỗ lực từ Nga nhằm tác động đến cuộc bỏ phiếu. Trong những cuộc bầu cử sau đó, quan chức tình báo Mỹ chỉ trích mạnh mẽ nỗ lực của Nga, Trung Quốc và Iran.
Việc chống can thiệp bầu cử trở nên khó khăn hơn trong năm nay. Một số người Mỹ, đặc biệt là những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump, xem việc Nga phát tán thông tin sai lệch là nỗ lực nhằm làm suy yếu quan điểm của họ.
Ông Garland cho hay, cáo buộc được công bố vào ngày 4/9 đối với công dân Nga không phải là điểm kết thúc của cuộc chiến chống thông tin sai lệch: "Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành".