Mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm giúp thanh niên dân tộc Mông thoát nghèo

Lầu Chia/VOV-Tây Bắc | 27/12/2022, 08:33

Câu chuyện của thanh niên dân tộc Mông Thào Lao Đô ở xã biên giới Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La cho thấy bà con các dân tộc ai cũng có thể thoát nghèo vươn lên nếu có quyết tâm thay đổi.

Tận dụng đồng đất của gia đình thâm canh trồng trọt và phát triển chăn nuôi đã và đang là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế đối với nhiều hộ dân ở xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Câu chuyện vượt khó vươn lên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, có thu nhập ổn định của hộ gia đình anh Thào Lao Đô, dân tộc Mông, ở bản Co Mon là một ví dụ.

Những năm trước, cũng như nhiều hộ đồng bào Mông  ở bản Co Mon, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, gia đình anh Thào Lao Đô rất khó khăn do chưa tìm được hướng phát triển sản xuất. Kinh tế chủ yếu là trồng ngô, lúa nên năng suất thấp. Trăn trở nghĩ suy làm thế nào để thoát nghèo, anh Đô nhận thấy, Phiêng Khoài quê anh có nhiều thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, là vùng luôn có khí hậu mát mẻ, không nóng như các vùng khác, do đó phù hợp trồng cây mận hậu và một số loại cây ăn quả như: Nhãn, hồng…

Hưởng ứng chủ trương của Đảng ủy xã Phiêng Khoài về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2013, gia đình anh Đô quyết định chuyển đổi những diện tích lúa ngô kém hiệu quả sang trồng mận hậu. Qua 5 năm trồng và chăm sóc, anh thấy mận hậu phát triển tốt và cho năng suất cao, tuy không tốn nhiều công chăm sóc, làm cỏ như trồng ngô, lúa, nhưng phải luôn quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu.

“Cây mận không như lúa ngô, do thị trường khó tính, đòi hỏi mình phải tìm tòi học hỏi cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật từ bón phân, trừ sâu bệnh gây hại. Mục đích làm sao để có hình thức mẫu má đẹp, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn mới xuất bán thuận lợi và được giá”, anh Đô nói.

Từ 300 gốc mận những năm đầu trồng, đến nay gia đình anh Thào Lao Đô đã có khoảng 450 cây cho thu hoạch, bình quân mỗi năm đạt khoảng 20 tấn quả. Để mận cho năng suất, thu nhập cao, anh Đô cùng bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật, tác động kích thích cây mận ra hoa, ra quả sớm hơn so với những cây chính vụ trên diện tích vườn mận của gia đình. Với cách làm này, năm vừa qua anh Đô thu hoạch được khoảng 3 tấn mận trái vụ, với giá bình quân 50.000 đồng/kg. So với năm ngoái thì được giá hơn, thị trường ổn định bởi năm nay kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Trên diện tích mận hậu, anh Đô cùng gia đình trồng xen canh mỗi vụ hơn 30 kg  ngô lai, cho thu hoạch được 10 tấn/vụ.  Song song với đó kết hợp cả chăn nuôi lợn gà, trâu, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín để tận dụng các chất thải, phân chuồng ủ bón cho cây trồng, giảm được một phần chi phí mua phân ngoài. Cứ như vậy, bình quân mỗi năm sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh có thu khoảng 400 triệu đồng.

Thấy mô hình kinh tế của gia đình anh Đô cho hiệu quả, nhiều người dân, trong đó có các thanh niên cùng trang lứa trong bản đã đến học hỏi kinh nghiệm trồng cây quả, chăn nuôi và hiện cũng đã có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

“Anh Đô là một người rất năng động, luôn có những sáng kiến, cách làm hay trong trồng trọt, chăn nuôi. Tôi đã được anh truyền đạt những kỹ năng, cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình và hiện giờ tôi có 300 gốc mận đang cho thu hoạch hàng năm”, anh Sùng Lao Súa, một trong những thanh niên ở bản Co Mon được anh Đô truyền dạy kinh nghiệm, cách chăm sóc mận hậu cho biết.

Câu chuyện của thanh niên dân tộc Mông Thào Lao Đô ở xã biên giới Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La cho thấy bà con các dân tộc ai cũng có thể thoát nghèo vươn lên nếu có quyết tâm thay đổi nếp nghĩ cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất