Lực lượng gìn giữ hòa bình góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

25/07/2023, 09:16

Trong 9 năm qua, hàng trăm sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, coi đây là vinh dự khi được tham gia vào những hoạt động nhân đạo, đồng thời cũng là cơ hội để sỹ quan Việt Nam quảng bá hình ảnh nhân văn, có trước có sau, hỗ trợ các quốc gia có hòa bình và phát triển kinh tế.

Kể từ khi bắt đầu tham gia các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (tháng 6/2014) đến nay, Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ nhiệm vụ đơn giản tới phức tạp; từ hoạt động độc lập của các cá nhân cho đến hoạt động của đơn vị ở cấp nhỏ, rồi cấp lớn hơn. Quá trình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã giúp chúng ta tìm hiểu được tình hình, khả năng đảm bảo an ninh, an toàn ở các phái bộ; các sĩ quan của ta đã hoàn thành nhiệm vụ ở các cấp khác nhau, sau đó trở lại làm nòng cốt cho đơn vị mình.

Trong 9 năm qua, hàng trăm sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, coi đây là vinh dự khi được tham gia vào những hoạt động nhân đạo, đồng thời cũng là cơ hội để sỹ quan Việt Nam quảng bá hình ảnh nhân văn, có trước có sau, hỗ trợ các quốc gia có hòa bình và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc chưa vi phạm một hình thức kỷ luật nào, một quy định nào của Liên Hợp Quốc hay quy định của quân đội nhân dân Việt Nam. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhưng chưa hề để xảy ra vi phạm kỷ luật.

Phải xây dựng được sự đoàn kết nội bộ cũng như đoàn kết quốc tế; phải thể hiện được mỗi sĩ quan quân nhân Việt Nam là một sứ giả hòa bình, là đại diện của nền văn hóa yêu chuộng hòa bình Việt Nam ra trước bạn bè quốc tế là điều mỗi cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đã được quán triệt trước khi lên đường. Tuy nhiên, bản thân họ cũng phải luôn tự nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hoạt động trong môi trường đa quốc gia, đa văn hoá, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, văn hoá làm việc của các nước gửi quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình có sự khác biệt gây ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thiếu táVũ Thế Anh, sĩ quangìn giữ hòa bìnhLiên Hợp Quốc tại Nam Sudan chia sẻ.

“Chúng tôi nhận nhiệm vụ ở vùng đất đặc thù, công việc sẽ không diễn ra êm đềm ngày qua ngày mà có đôi lúc phải sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống kể cả là nguy hiểm với những thử thách “có một – không – hai”; luôn phải có sự chuyên nghiệp trong công tác xử lý công việc, bởi việc chúng tôi tới môi trường đa quốc gia thực hiện nhiệm vụ không chỉ để báo cáo kết quả, thách tích của cá nhân về Việt Nam, mà chúng tôi làm việc vì màu cờ sắc áo, vì những cống hiến và nỗ lực sẽ được bạn bè quốc tế đánh giá và ghi nhận như cách mà các quốc gia tôn trọng và nể phục Việt Nam”, Đại úy VũNhật Hương thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại cộng hòa Trung Phi nhiệm kỳ 2021 – 2022 nói.

Đại úy Nhật Hương nói thêm: “Bên cạnh đó, là một quân nhân, chúng tôi hiểu rằng sự nghiêm túc, tập trung và kỉ luật luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi nhiệm vụ. Trong vai trò là một sĩ quan Liên Hợp Quốc thì những “tôn chỉ” đó được nhân lên gấp bội, bởi khi đảm nhận nhiệm vụ tại môi trường quốc tế, mỗi một sĩ quan đến từ quốc gia khác nhau, họ mang tới Phái bộ một văn hoá quân sự, một phong cách làm việc khác nhau nên mọi chuẩn chỉ gần như phải đạt tuyệt đối. Mặc dù, tôi không gọi những điểm khác biệt là áp lực công việc, những rõ ràng, những sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân như tôi luôn phải sẵn sàng trong mọi thử thách, tình huống tác chiến độc lập”.

Nếu như xa nhà để đến một nơi xa lạ làm nhiệm vụ đã là khó khăn rất lớn thì đến làm nhiệm vụ ở một quốc gia đang bất ổn và xung đột sẽ là thách thức gấp bội. Với Đại úy Nhật Hương, cuộc sống và công việc không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ nhà mà còn là việc phải đối mặt với những nguy hiểm và thiếu thốn thường trực. Sự nguy hiểm luôn rình rập nếu như không tuân thủ luật pháp nước sở tại về giờ giấc giới nghiêm, các điều luật về giới, về tiếp xúc dân bản địa… Bên cạnh đó, sự thiếu thốn điện, nước, internet… những điều tưởng chừng như kinh khủng lại là điều bình thường đối với cuộc sống ở Cộng hòa Trung Phi.

Có lẽ chính vì những khó khăn hàng ngày phải đối mặt, Thiếu tá Vũ Thế Anh đã dùng từ “cống hiến” để mô tả về công việc tại phái bộ gìn giữ hòa bình. Theo Thiếu tá Vũ Thế Anh, “cống hiến” ở đây có hai ý nghĩa.

Một là, theo Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII đã xác định “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thiếu tá Vũ Thế Anh nói: “Mỗi cá nhân, đơn vị tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc là một trong những nhân tố đóng góp theo đúng tinh thần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa mà Đại hội đã thông qua. Ý nghĩa cống hiến ở đây là cống hiến cho việc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”.

Hai là, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một niềm vinh dự và tự hào của mỗi quân nhân. Vì vậy, mỗi quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam phát huy tinh thần, cống hiến tài năng, sức lực để góp một phần nhỏ trong việc gìn giữ hòa bình của thế giới. Đó là mục đích cao cả của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Đại úy Nhật Hương cũng đã có 379 “cống hiến” tại Trung Phi, và với chị mỗi ngày mỗi đều là một kỷ niệm.

Nhật Hương chia sẻ về cảm xúc trước khi trở về nhà: “Ngay trước ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về, tâm hồn tôi vẫn còn ở CH Trung Phi - mảnh đất đầy nắng và gió. Tôi vẫn cảm nhận rõ cái nắng cháy và chỉ nghĩ nó giống như một ngày nghỉ cuối tuần bởi tôi sợ cảm giác chia tay những người bạn, những thói quen của một năm qua mà không biết đến khi nào mới có thể gặp lại hay được trải nghiệm thêm lần nữa. Cho tới khi tôi thấy những giọt nước mắt của Trưởng phòng cùng các thành viên Phòng Truyền thông trong thời điểm tôi chuẩn bị bước lên máy bay. Họ bất ngờ tới tiễn, để dành cho tôi cái ôm đầy thương mến. Chân tôi đã chùn lại…

Đại úy Nhật Hương mô tả cảm xúc của chị trong ngày đầu tiên sau khi trở về: “Không còn tiếng quạ kêu báo hiệu một ngày mới, không còn cảnh mở van nước ở ngày mới để hồi hộp đoán xem nước có hay không, hay đơn giản chỉ là mở công tắc đèn xem đèn sáng hay mất điện”.

“Chỉ khi đủ đầy, tôi mới thấy rõ sự khác biệt của những ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tôi là một người trẻ, sinh ra và lớn lên ở thời bình, nói chính xác hơn là thế hệ 9x của tôi là thời điểm đất nước đang trên đà ngày một phát triển. Những câu chuyện qua lời kể của ông bà, bố mẹ về cái thời “Ngày xưa” thật khó có thể mường tượng ra khó khăn vất vả đó là gì. Và đến năm 30 tuổi, tôi đã được trải nghiệm và thấm thía phần nào những câu chuyện “Ngày xưa” ấy. Một năm tại châu Phi đã cho bản thân tôi trưởng thành hơn trong công việc và rắn rỏi hơn trong nhận thức”, Đại úy Nhật Hương nói.

Tác giả: Ngọc Tú, Lê Hoàng, Kiều An, Cường Trần/VOV.VN

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất