Luật Lưu trữ quy định thế nào về di sản tư liệu, bảo vật quốc gia?

Hiếu Minh/VOV.VN | 23/02/2024, 15:53

Với tài liệu lưu trữ được xác định là di sản tư liệu, bảo vật quốc gia, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ trong Luật Lưu trữ và các luật liên quan để quản lý, sử dụng và phát huy giá trị.

Vận hành theo luật nào?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, theo Luật Di sản văn hóa thì vật thể xếp thành 3 loại gồm cổ vật, di vật và bảo vật quốc gia và trong đó có nhiều thứ có thể gọi là tài liệu lưu trữ.

“Dự thảo chỉ quy định 2 loại là tài liệu lưu trữ và tài liệu lưu trữ đặc biệt. Những cổ vật hoặc những bảo vật quốc gia là tài liệu lưu trữ đang được lưu trữ thì bây giờ vận hành theo luật nào?” – ông Nguyễn Đắc Vinh đặt vấn đề.

Cho rằng vấn đề trên cần được làm rõ vì liên quan thẩm quyền xác định tài liệu lưu trữ loại gì, có phải là cổ vật hay bảo mật quốc gia không, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá tiêu chí xác định chưa được làm rõ, trong hoạt động có thể dẫn tới không bảo quản được bảo vật quốc gia hoặc cổ vật.

Cho biết Luật Di sản văn hóa chuẩn bị được trình sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu chặt chẽ để thể hiện rõ những vấn đề cụ thể trong 2 luật.

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo Luật Lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật cùng với Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội có liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm rõ những vấn đề cụ thể, nhất là xác định cho rõ hơn, minh bạch hơn về tài liệu lưu trữ là di sản tư liệu và bảo vật quốc gia.

“Nhưng cũng phải đảm bảo trên một nguyên tắc với tài liệu lưu trữ thì quản lý theo phông, tính khoa học, tính hệ thống, tính toàn vẹn, tính lịch sử liên tục và cũng phải đảm bảo được tính kế thừa, phát huy được giá trị tài liệu vì lợi ích quốc gia và dân tộc. Bên cạnh đó phải đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đặc biệt là phải đảm bảo được theo các quy định thông lệ quốc tế” – bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh các bên cần phải ngồi với nhau để xác định cho cụ thể và rõ ràng hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, theo thông lệ quốc tế, đây là một vấn đề lớn và trong tất cả các luật lưu trữ quốc tế mà cơ quan soạn thảo tìm hiểu thì hầu như có nêu vấn đề này. Tức là tài liệu lưu trữ được xác định là di sản tư liệu hoặc là bảo vật quốc gia đều được quản lý theo Luật Lưu trữ và các luật khác có liên quan để quản lý, sử dụng và đặc biệt là phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, di sản tư liệu.

“Chúng tôi thấy có lẽ cũng phải bổ sung thêm một điều đó là tài liệu lưu trữ khi được công nhận là di sản tư liệu, bảo vật quốc gia và danh hiệu khác thì được quản lý, lưu trữ và sử dụng theo quy định của Luật Lưu trữ và được phát huy giá trị theo quy định của pháp luật có liên quan khác như Luật Di sản. Như thế để bao trùm được tất cả những vấn đề, đồng thời xác định cụ thể những điểm giao thoa để đảm bảo những vấn đề được điều chỉnh theo từng luật. Như vậy đảm bảo được nguyên tắc chung và yêu cầu, chúng tôi cũng báo cáo đồng chí Chủ tịch Quốc hội là sẽ ngồi với nhau để xác định rõ hơn.

Quy định tài liệu lưu trữ cấp xã thế nào để không hư hỏng, thất thoát

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, dự thảo quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật).

Đồng tình với hướng tiếp thu trên, song Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo mới chỉ quy định đối với tài liệu của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà không quy định đối với cấp ủy, tức là Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy. Trong khi đó Đảng lãnh đạo, nhiều tài liệu thuộc các tài liệu lưu trữ của Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy là những chủ trương rồi mới thể chế ở Hội đồng nhân dân hoặc quy định ở Ủy ban nhân dân. Do đó, ông Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung thêm nguồn tại liệu bên đảng.

Lưu ý về nguồn tài liệu lưu trữ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bám sát Luật Tổ chức Quốc hội để thể hiện cho chuẩn xác, đầy đủ. Bởi, hoạt động của Quốc hội có kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

“Hoạt động Quốc hội rất khác với các cơ quan khác, trung tâm hoạt động của Quốc hội là đại biểu Quốc hội. Bây giờ mình viết như thế này, tất cả tài liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội bị loại ra. Nếu viết chung chung thì sau này việc bảo quản, lưu trữ tài liệu này sẽ rất khó” – ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu ý kiến, nghiên cứu thể hiện đầy đủ, toàn diện hơn trước khi dự thảo được trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà gia đình chính sách, người nghèo tại Yên Bái
VOVLIVE - Sáng nay, 4/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác Trung ương tới thăm, chúc hội thăm, tặng quà gia đình chính sách, người nghèo, người dân bị thiệt hại do thiên tai tại tỉnh Yên Bái

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Kỳ vọng vào những đột phá mới
Những năm qua, cải tạo chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tiến độ cải tạo còn “ì ạch” do vướng một số điểm nghẽn. Tới đây, nhiều quy định mới có tính đột phá trong Luật Nhà ở 2023, Luật Thủ đô, được kỳ vọng sẽ có những đột phá mới.
Mới nhất