Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 21 vụ, 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Nguyên nhân gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là do nhận thức và sự am hiểu về công nghệ của quần chúng nhân dân còn hạn chế, cùng với tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác, một số người do tâm lý hám lợi nên đã bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo.
Các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo, sau đó chuyển tiền qua nhiều trung gian khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng sim rác, đăng ký thông tin thuê bao không chính chủ còn nhiều nên việc xác minh thông tin các đối tượng phạm tội qua thông tin đăng ký thuê bao không hiệu quả.
Qua theo dõi, phân tích, tổng hợp, Công an tỉnh Tây Ninh chỉ ra các thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng thường dùng là lôi kéo tham gia nhóm kín, đầu tư trên các sàn tiền ảo; tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng; vay tiền nhanh qua mạng; nộp thuế, phí để nhận tiền trúng thưởng; thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; kết bạn qua mạng xã hội và nộp thuế, phí nhận quà từ nước ngoài; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội, nhắn tin người thân, bạn bè mượn tiền; giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án thông báo phạm tội qua điện thoại để đe doạ yêu cầu chuyển tiền…
Các đối tượng phạm tội là người có trình độ cao trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và chỉ liên lạc với nhau qua môi trường không gian mạng, che giấu mọi thông tin về tên tuổi, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng; các đối tượng chủ yếu sử dụng ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Zalo, Telegram... để kết nối với nạn nhân, gây nhiều khó khăn cho lực lượng Công an trong đấu tranh, thu thập dữ liệu.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Tây Ninh đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến công nghệ cao. Trong đó chủ yếu là tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân như tuyên truyền trực tiếp (tuyên truyền miệng), phát tờ rơi, tờ bướm, pano, áp phích, tuyên truyền thông qua mạng xã hội (đăng các tin, bài, video trên nhóm Zalo, Facebook, trang Fanpage…), tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài, trạm truyền thanh).
Công an tỉnh Tây Ninh cũng tiếp tục đề xuất Bộ Công an trang bị máy móc công nghệ hiện đại, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên sâu cho lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao đáp ứng tình hình hiện nay; tập trung phối hợp, trao đổi thông tin với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố để điều tra, xử lý các vụ việc, không để hình thành các đường dây phạm tội có tổ chức, gây bức xúc trong nhân dân.