Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 30/11 thông báo lựa chọn ông Kash Patel làm giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
“Tôi tự hào thông báo rằng Kashyap “Kash” Patel sẽ đảm nhiệm vị trí giám đốc tiếp theo của Cục Điều tra liên bang. Kash là một luật sư, điều tra viên và chiến binh đấu tranh cho đường lối ‘nước Mỹ trên hết’, là người tài giỏi, người đã dành sự nghiệp của mình để vạch trần tham nhũng, bảo vệ công lý và bảo vệ người dân Mỹ”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth.
Là cựu công tố viên liên bang và luật sư bào chữa, ông Patel gần như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử ghi nhận những những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Patel trong việc làm mất uy tín cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump.
Ông Trump từng muốn đưa Kash Patel lên làm phó giám đốc FBI trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nhưng Bộ trưởng Tư pháp khi đó William Barr kịch liệt phản đối vì cho rằng ông Patel không đủ tiêu chuẩn để trở thành lãnh đạo cơ quan này.
Lựa chọn gây tranh cãi
Việc ông Trump lựa chọn nhân sự mới cho vị trí giám đốc FBI có nghĩa là Giám đốc đương nhiệm Christopher Wray sẽ bị sa thải hoặc phải từ chức khi vẫn còn gần 3 năm nữa mới hết nhiệm kỳ.
Ông Wray được Tổng thống Trump bổ nhiệm năm 2017 sau khi sa thải ông James Comey. Dù vậy, ông Trump bắt đầu tỏ ra không ưa ông Wray và FBI khi chuẩn bị rời Nhà Trắng vào năm 2021.
Cái nhìn của ông Trump về FBI trở nên tồi tệ hơn sau khi khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông bị khám xét vào tháng 8/2022 và sau đó ông bị truy tố vì cáo buộc lưu giữ các tài liệu mật mà ông không được phép mang đi khi rời nhiệm sở.
Việc kết thúc sớm nhiệm kỳ của Giám đốc FBI đương nhiệm Christopher Wray đang gây ra nhiều tranh cãi.
Thượng nghị sĩ Mike Rounds cho rằng ông Wray, do chính ông Trump bổ nhiệm vào năm 2017 với nhiệm kỳ 10 năm, không mắc phải những vấn đề nghiêm trọng nào trong lãnh đạo. Bên cạnh đó, ông Wray đã làm tốt vai trò của mình, mặc dù một số đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa không ủng hộ ông.
Về việc lựa chọn ông Patel, Thượng nghị sĩ Susan Collins - người thường được xem là tiếng nói trung dung của đảng - cho rằng cần thời gian để đánh giá hồ sơ của ông này. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của quy trình thẩm tra, bao gồm kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và điều trần công khai.
Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ khác như ông John Barrasso và ông Thom Tillis bày tỏ thái độ ủng hộ và nhấn mạnh rằng tổng thống có quyền chọn người phục vụ trong chính quyền của mình.
Đảng Dân chủ cũng tỏ ra lo ngại về việc ông Trump lựa chọn lãnh đạo mới cho FBI. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin cho rằng những phát ngôn của ông Patel về “vũ khí hóa” lực lượng thực thi pháp luật và ý định cải cách FBI có thể gây ra nguy cơ trả thù chính trị.
Kế hoạch “thay máu” FBI
Việc lựa chọn nhân sự mới vào vị trí lãnh đạo FBI cho thấy ông Trump dường như muốn lấp đầy các vị trí thực thi pháp luật và tình báo hàng đầu bằng những người ủng hộ có thể sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của ông về các cuộc điều tra cụ thể cũng như bảo vệ tổng thống trước các cuộc điều tra có thể xảy ra trong tương lai.
Vậy ông Patel, sẽ làm những gì nếu được chính thức phê chuẩn vào vị trí giám đốc FBI? Cuốn sách “Government Gangsters” xuất bản năm 203 cùng những tuyên bố trước đây của ông Patel đang được xem như một chỉ dấu về những kế hoạch của ông trong tương lai.
Trong cuốn sách “Government Gangsters” ông Patel đề xuất sa thải những người đứng đầu, khuyến khích Quốc hội tổ chức các phiên điều trần để làm sáng tỏ “nạn tham nhũng” tại FBI và giữ lại ngân sách cho cơ quan này cho đến khi các tài liệu được công bố. Ông cũng cho rằng cần truy đến cùng những người làm rò rỉ thông tin mật và thay thế nhân sự an ninh quốc gia bằng “những người sẽ không phá hoại chương trình nghị sự của tổng thống”…
Ông Patel cũng được cho là sẽ giúp Tổng tống tiếp theo của Mỹ mở cuộc điều tra nhằm vào các đối thủ chính trị.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng Bộ Tư pháp như một công cụ để “truy đuổi” những đối thủ chính trị của mình trong nhiệm kỳ thứ hai.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng gây áp lực lên các công tố viên để mở cuộc điều tra về các đối thủ của mình. Đáng chú ý nhất là nỗ lực của công tố viên John H. Durham, nhằm tìm cơ sở để đưa ra cáo buộc đối với các quan chức an ninh quốc gia đã điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 với Nga.
Ông Patel sẽ ở vị thế tốt để giúp tiến hành các cuộc điều tra mới. Nhưng đối với những người bị nhắm mục tiêu, các cuộc điều tra như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm cả những khoản chi phí đáng kể cho luật sư bào chữa cho dù cuối cùng họ không bị buộc tội.
Trong một chương trình podcast vào tháng 9/2024, ông Patel từng tuyên bố nếu trở thành lãnh đạo FBI, ông sẽ đóng cửa trụ sở chính của cơ quan này tại Washington và phân tán các viên chức làm việc tại đó đến các khu vực khác của đất nước.
“Tôi sẽ đóng cửa Tòa nhà Hoover của FBI vào ngày đầu tiên và khi mở cửa trở lại vào ngày hôm sau nó sẽ là một bảo tàng về ‘giới quyền lực ngầm’. Tôi sẽ đưa 7.000 nhân viên ra khỏi tòa nhà đó và điều họ đi khắp nước Mỹ để truy đuổi tội phạm, ông Patel cho biết.
Trong cuốn sách “Government Gangsters”, ông Patel cũng kêu gọi hạn chế đặc quyền của các nhân viên kỳ cựu tại FBI. Điều này sẽ cho phép tổng thống sa thải họ theo ý muốn và thay thế bằng những người trung thành.
Charles Kupperman, phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên, cảnh báo rằng những ý tưởng của ông Patel sẽ là điều “đáng sợ” đối với FBI.
“Thật nực cười khi tất cả họ đều từng chỉ trích về việc chính trị hóa FBI, nhưng ông Trump lại đưa vào cơ quan này một người sẽ làm chính xác điều đó. Những gì ông ấy [Patel] từng nêu ra không phải là cải cách mà giống như các biện pháp trừng phạt hơn”, ông Kupperman nêu quan điểm.