Lộ những khu ngập nặng ở Hà Nội sau bão lũ, người mua 'bỏ của chạy lấy người'

Châu Anh | 28/09/2024, 15:18

Nhiều khách hàng sau khi biết ngôi nhà mình định mua nằm trong khu vực bị ngập lụt nặng đã quyết định "quay xe", không mua nữa, thậm chí có người còn bỏ cả cọc.

Nếu trước kia, chất lượng và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất với người mua nhà thì sau cơn bão lịch sử Yagi, tâm lý này đang thay đổi rõ rệt. Hiện nay, ngay cả những chung cư sang trọng, hiện đại, chất lượng cao nhưng nằm trong vùng dễ ngập lụt thì cũng bị giảm rất nhiều sức hút. 

Chị Nguyễn Kiều Minh (quận Hà Đông) chia sẻ, sau nhiều tháng "săn lùng", chị đã tìm được căn hộ ưng ý tại một dự án thuộc khu đô thị An Khánh (huyện Hoài Đức).

Thời điểm chị Minh phải mang tiền đến đặt cọc đúng lúc cơn bão Yagi đang hoành hành, do đó, vợ chồng chị thống nhất với người bán lùi thời gian giao dịch lại. Sau khi bão tan, nước lũ rút, những khu vực nội thành Hà Nội đã khô ráo, chị mang tiền đến khu nhà mới để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên lúc này, anh chị tá hỏa vì cả con đường đại lộ Thăng Long dẫn tới dự án vẫn trong tình trạng ngập nước.

"Cả con đường ven đại lộ Thăng Long đều bị ngập, cứ như vẫn đang trong bão lũ. Chúng tôi hoảng hốt nghĩ đến tình trạng giữa bão lũ thì không biết còn ngập nặng như thế nào. Đành rằng bão to thì nơi đâu cũng ngập lụt nhưng rõ ràng chỗ này bị nghiêm trọng hơn hẳn", chị Minh bày tỏ.

Chính vì lo ngại cảnh ngập lụt sẽ thường xuyên xảy ra nên vợ chồng chị Minh đã quyết định rút lui, không mua căn hộ này nữa, dù đã rất ưng ý về thiết kế và nhiều yếu tố khác.

"Rút kinh nghiệm, lần này tôi đã nhờ đến công ty môi giới bất động sản để được tư vấn chính xác, kỹ càng hơn.Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết được rằng khu vực đại lộ Thăng Long là một trong những điểm thường xuyên ngập khi xảy ra mưa lớn. Môi giới còn khuyến cáo những nơi có "truyền thống" ngập ở Hà Nội để biết đường cân nhắc", chị Minh cho biết thêm.

Nhiều người quay đầu không mua nhà ở những khu ngập nặng sau trận bão, lụt vừa xảy ra. (Ảnh minh họa)
Nhiều người quay đầu không mua nhà ở những khu ngập nặng sau trận bão, lụt vừa xảy ra. (Ảnh minh họa)

Anh Lê Minh Long (huyện Thanh Trì) cũng kể lại, sau nhiều tháng tìm nhà, anh đã đặt cọc 1 căn tại phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Qua khảo sát thì đây đúng là căn anh ưng ý nhất. Nhà nằm trong một con ngõ nông, xe ba gác đi được, xung quanh yên tĩnh, diện tích hơn 40m2, pháp lý rõ ràng.

"Ấn tượng đầu tiên của tôi về căn nhà rất tốt. Những ngày sau đó, môi giới liên tục thuyết phục tôi chốt nhanh vì "giá cả hợp lý, hiếm có nhà đẹp như thế này, không nhanh lại có người khác chốt mất". Tôi đã quyết định đặt cọc 50 triệu đồng theo thỏa thuận với người bán để chờ ngày thanh toán nốt".

Tuy nhiên, ngay sau cơn bão số 3, anh Long thấy bỗng rộ lên việc mọi người cảnh báo nhau những nơi thường ngập nặng, trong đó có khu vực anh định mua. Anh Long lập tức dò hỏi nhiều nguồn tin và buồn bã được biết  khu vực này thường bị ngập mỗi khi mưa to. Chính vì vậy, giá thường rẻ hơn khu vực khác.

"Dù đã đặt cọc 50 triệu đồng nhưng tôi vẫn quyết định bỏ cọc, vì ngôi nhà nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sẽ khiến việc sinh hoạt, đi lại vô cùng bất tiện. Ngay cả khi bán đi cũng rất mất giá", anh Long kể.

Đại diện một công ty phân phối bất động sản cho biết, từ sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều người mua nhà đã quan tâm nhiều hơn hẳn đến việc dự án có nguy cơ bị ngập lụt hay không. "Chắc là do ảnh hưởng của cơn bão quá khủng khiếp khiến người mua nhà lo lắng đến sự an toàn, tiện lợi của mình. Ngay cả những dự án hiện đại, chất lượng tốt nhưng nếu vào "điểm đen" ngập lụt thì cũng bị từ chối như thường", người này nói.

Ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh thừa nhận, những khu vực bị ngập lụt nặng thường ảnh hưởng đến tâm lý người mua và ngày càng tác động rõ nét. Dạo gần đây, nhiều người còn từ chối mua những chung cư có khu vực tầng hầm không đảm bảo thoát nước tốt.

Nhiều người bỏ cọc khi biết nhà mua nằm ở khu vực hay bị ngập lụt. (Ảnh minh hoạ: Mai Phương).
Nhiều người bỏ cọc khi biết nhà mua nằm ở khu vực hay bị ngập lụt. (Ảnh minh hoạ: Mai Phương).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phân tích: Do nhu cầu nhà ở tại Hà Nội hiện nay rất lớn mà nguồn cung còn hạn chế nên việc giảm giá tại các khu vực bị ngập lụt có thể xảy ra nhưng rất ít.

Với nhiều người, quan trọng nhất hiện nay là mua được nhà ở Hà Nội, còn mối lo về ngập lụt tuy có nhưng không quá nghiêm trọng. Hà Nội và các khu vực lân cận cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, bao gồm cả các biện pháp phòng chống thiên tai nên nguy cơ ngập lụt sẽ được hạn chế dần

Tuy vậy, theo chuyên gia, người mua nhà vẫn nên cân đối nhiều yếu tố khác nhau để có quyết định sáng suốt. Ví dụ cân nhắc giữa điều kiện tài chính, thói quen sinh hoạt, nhu cầu của bản thân với điều kiện thực tế của căn nhà định mua và khu vực xung quanh. Để mua được một căn nhà đáp ứng 100% điều kiện đặt ra là điều lý tưởng nhưng khó khả thi, vì thế có thể chấp nhận khi những nhược điểm được hạn chế ở mức thấp nhất.

Châu Anh
Bài liên quan
Giá chung cư quá cao, nhân viên môi giới than “gần 3 tháng chưa có giao dịch”
Đó là than thở của nhiều chủ nhà muốn bán, môi giới sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội thời gian gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật.
Mới nhất