“Lễ kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam cần trang trọng, đúng tính chất, tầm mức”

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 05/12/2024, 21:53

VOVLIVE - Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Quốc phòng làm việc với TP.HCM về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

13.000 người tham gia diễu binh, diễu hành

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, tiến độ chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025) đang được các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là TP.HCM chuẩn bị chủ động, tích cực trong bối cảnh có rất nhiều công việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã chủ động phối hợp các cơ quan Trung ương để tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng.
TP cũng tổ chức bình chọn và tuyên dương 50 tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu, thực hiện công trình văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm và nhiều hoạt động khác.

TP cũng chỉ đạo các sở, ngành rà soát kỹ, tập trung nghiên cứu, đề xuất thêm các chính sách chăm lo cho người dân tại địa bàn sau 50 năm xây dựng và phát triển. Các chính sách gồm việc chăm lo gia đình chính sách, người có công, chăm lo hộ nghèo, cận nghèo và diện bảo trợ xã hội, chính sách cho lực lượng công nhân đến thành phố làm việc, lao động.

Theo kế hoạch, lễ diễu binh dự kiến quy tụ khoảng 35 khối của lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện.

Phần diễu hành kế tiếp sẽ do TP.HCM đảm nhiệm với 11 khối. Dự kiến tổng lực lượng huy động cho khối diễu binh, diễu hành là hơn 13.000 người.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, phương án Bộ Quốc phòng đưa ra để tổ chức diễu binh, diễu hành lần này sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của mọi người dân cũng như kỷ niệm lần thứ 50 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hứa sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể cho lễ kỷ niệm 50 năm và mong các sở, ngành, các ban, bộ, ngành Trung ương và TP.HCM ủng hộ để lực lượng vũ trang thực hiện trọn vai của mình.

“50 năm không ngắn nhưng cũng không quá dài. Những người đã từng tham gia ngày giải phóng đó, trong chiến dịch Hồ Chí Minh đó vẫn còn rất nhiều, kể cả còn những người vẫn còn đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Ở các lứa tuổi khác nhau người ta cũng cầm súng, cũng sẵn sàng, cho nên chúng ta cố gắng làm cho thật tốt, cho hết khả năng vốn có của mình và vượt lên nữa để chúng ta đáp ứng lòng mong mỏi, đã hy sinh một phần xương máu của chính những người còn đang sống và là tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, người Tổ quốc để có ngày 30/4/1975”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Lễ kỷ niệm cần trang trọng, đúng tính chất, tầm mức cấp quốc gia

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP nhận thức, ý thức và trách nhiệm là ngày lịch sử trọng đại này không phải tầm quốc gia nữa mà nó còn lan tỏa rộng ra hơn.

TP đã chuẩn bị từ sớm, từ xa. Từ ngày 23/8/2024, TP đã họp và phân công 8 đầu việc cụ thể, đến nay tiến độ đảm bảo. Theo ông Nên, các bộ, ngành được phân công cũng đã triển khai khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, thời gian còn lại không nhiều trong khi có rất nhiều đầu việc nên cần phải chuẩn bị kỹ, chủ động, phối hợp chặt chẽ, tránh sơ sót. Theo ông Nguyễn Văn Nên, sự kiện 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Từ đó bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

“Chúng ta chuẩn bị 50 năm lại chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để khẳng định, 50 năm qua chúng ta đã làm được gì, chưa làm được việc gì. Điều này có ý nghĩa như vậy. Cho nên tôi muốn chúng ta chia sẻ với nhau về sự kiện này nó khác với các lần trước. Mọi khâu tổ chức từ kịch bản, phối hợp, chuẩn bị đều phải có tầm vóc và tâm thế”.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, từ các ý kiến tại buổi làm việc này, TP sẽ nghiên cứu mở rộng trung tâm lễ, lấy Dinh Độc Lập làm điểm, gợi lại ký ức 50 năm trước.

Đặc biệt, khâu diễu binh, điều hành là khâu rất quan trọng của buổi lễ, cần phải chuẩn bị kỹ, làm sao cho đại biểu phải nhìn thấy; tận dụng khai thác tối đa công nghệ, trực quan sinh động để phục vụ nhân dân theo dõi. Quan trọng là phải làm tốt khâu phối hợp thống nhất, chặt chẽ, nhịp nhàng.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao với các hoạt động tổ chức kỷ niệm, vừa bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tôn vinh, tri ân, tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về chính trị, tư tưởng vừa phải mới.

Ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần nghiên cứu lại các buổi lễ cả trong và ngoài nước.

Buổi lễ đảm bảo đổi mới, hấp dẫn nhưng phải an toàn, tiết kiệm, hướng tới người dân, phục vụ cho người dân.

Khẳng định lại tầm quan trọng của sự kiện 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị TP.HCM cần khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể gửi Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp trình Ban Bí thư cho ý kiến để chỉ đạo triển khai các công việc.

Các công việc triển khai trong bối cảnh tổ chức rất khẩn trương như tổng kết lý luận thực tiễn, văn kiện Đại hội lần thứ XIV, đặc biệt là việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Cho nên phải thực hiện với tinh thần “đã nhận việc rồi, phải làm cho rõ, làm quyết liệt, dù có khó khăn, dù có điều chỉnh tổ chức bộ máy như thế nào chúng ta cũng phải làm ngày làm đêm, khẩn trương”.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị, cần bàn cụ thể các hoạt động kỷ niệm trọng tâm như lễ dâng hương, dâng hoa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại TP Hà Nội vào sáng 29/4/2025.

Tại TP.HCM cần sớm xây dựng kịch bản chi tiết, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các hoạt động…Cần chuẩn bị kỹ các khâu từ khách mời quốc tế và trong nước, chuẩn bị bài phát biểu, diễn văn kỷ niệm; quan tâm chất lượng truyền hình, phát thanh trực tiếp lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu: “Chương trình điều hành lễ kỉ niệm, diễu binh, diễu hành thì Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch chủ trì, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kịch bản tổng thể, chi tiết. Lễ kỷ niệm bảo đảm ngắn gọn, trang trọng, đúng tính chất, tầm mức của cấp quốc gia. Gửi xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan trình Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Bí thư trong tháng 2/2025”.

Bài liên quan
Thủ tướng: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng 'bốn không'
Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định thực hiện chính sách quốc phòng 'bốn không' và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành công trình tái thiết khu dân cư Làng Nủ
Sáng 22/12, tại thôn làng Nủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và dự Lễ khánh thành các công trình tái thiết Khu dân cư Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng.
Mới nhất